Bạn sẽ làm gì vào mỗi sớm mai thức giấc? Với những người phụ nữ trong bài viết này, công việc đầu tiên trong một ngày mới của họ là nấu và cung cấp cháo cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Công việc phát cháo được các chị trong nhóm thực hiện từ lúc 5 giờ sáng - Ảnh: T.KỲ
Gần ba năm nay, ngày nào cũng vậy, vào 2 giờ sáng, ngôi nhà phía sau sân vận động TP Tuy Hòa rộn rịp tiếng cười nói nhiều phụ nữ trung niên. Đó là ngôi nhà của chị Lý Thị Kim Thịnh, người phụ nữ đã được nhiều người biết đến cơ quan báo chí viết về việc hiến máu cứu người. Chị Lý Thị Kim Thịnh kể: “Là người hay hiến máu tình nguyện ở bệnh viện, chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân nghèo và người thân của họ phải nhịn ăn sáng để có tiền lo thuốc men, tôi cùng nhiều chị em khác cứ trăn trở suy nghĩ. Và rồi các chị em họp lại, quyết định cùng nhau nấu cháo để mỗi sáng phát cho các bệnh nhân nghèo”. Từ đó, vợ chồng chị Thịnh cùng chị em ở Hội từ thiện Tình Thương và một số tiểu thương không ngại dậy sớm, luôn có mặt đúng giờ ở nhà chị Thịnh, người thì vo gạo, người lột vỏ đậu, xắt cà rốt. Nồi cháo rất to, với hơn 10kg gạo. Số gạo này cùng đậu xanh, cà rốt, khoai tây… do chị em trong nhóm đóng góp. Bà Nguyễn Thị Xuân, hơn 60 tuổi, nói: “Duy trì được gần 3 năm, ngày nào cũng nấu và phát cháo, đó là nỗ lực rất lớn của chị em trong nhóm. Nhiều lúc không đủ tiền, phải ra chợ vận động các chị em tiểu thương. Được chị em hưởng hứng, cả nhóm rất vui”. Chị Lý Thị Thu Huyền, 48 tuổi, ở phường 5 (Tuy Hòa), là một trong những thành viên tích cực của nhóm. Tuy mỗi sáng phải đi mua sỉ các loại rau để bán ở chợ Tân Hiệp, nhưng chị Huyền luôn dành thời gian để chở 4 xô cháo đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Chị Huyền nói: “Mấy chị trong nhóm cũng đã lớn tuổi, sức có hạn nên tôi tranh thủ vận chuyển cháo giúp các chị. Làm việc này mỗi ngày giúp tôi yêu cuộc sống hơn”.
5 giờ sáng, có mặt tại cổng Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các chị phân phát cháo cho bệnh nhân nghèo. Cụ bà Lê Thị Mến ở thôn Phú Lương xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) có chồng bị bệnh suy thận, đang chữa trị ở bệnh viện. Chồng chưa khỏi, con gái lại bệnh sốt xuất huyết. Nhà nghèo, để có tiền chữa bệnh cho chồng con, bà phải vay mượn khắp nơi. Nhiều buổi sáng, bà đành nhịn ăn để lo cho chồng con. Được phát cháo mỗi sáng, bà Mến rất vui mừng vì từ nay, chồng con và bản thân bà có được những bữa sáng tươm tất. Chị Trần Thị Đức, một tiểu thương ở chợ Tuy Hòa và cũng là người thường xuyên tham gia cung cấp cháo, nói: “Có rất nhiều bệnh nhân nghèo là “bạn hàng” của chúng tôi. Họ phải chữa bệnh trong thời gian rất lâu. Nhiều lúc nhóm còn trích tiền để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo ấy”. Trung bình mỗi sáng, trong khoảng thời gian từ 5g đến 5g30, các chị trong nhóm phát hàng trăm suất cháo cho bệnh nhân nghèo.
Chị Lý Thị Kim Thịnh nói: “Nhiều khi chị em cũng rất mệt, nhưng nghe các bệnh nhân khen cháo ngon, ai cũng cảm thấy vui và quên đi sự mệt nhọc ấy”. Vừa qua, có hai học sinh ở Trường tiểu học Âu Cơ là Nguyễn Chí Nguyên và Nguyễn Trần Duy Nguyên nhờ mẹ đến ủng hộ 100.000 đồng từ tiền bồi dưỡng múa lân trong dịp trung thu để mua gạo nấu cháo, làm chị em nào trong nhóm cũng xúc động. Cách đây vài hôm, em Trần Khánh Lộc, học sinh lớp 9E, Trường THCS Hùng Vương đến ủng hộ 20.000 đồng từ tiền tiết kiệm để mua thêm đậu, cà rốt… Tình cảm của các em nhỏ dành cho bệnh nhân nghèo đã tạo thêm niềm vui cho các chị.
Kết thúc công việc nấu và cung cấp cháo vào mỗi buổi sáng, các chị trong nhóm lại về với công việc hằng ngày của mình. Chị thì bán rau, bán trái cây, chị thì bán đậu tương… Để rồi 2 giờ sáng hôm sau, họ lại gặp nhau, cùng nhau đóng góp công sức, giúp đỡ những người nghèo đang điều trị tại bệnh viện. Những phụ nữ tảo tần ấy đang góp phần làm đẹp cho đời, từ những bát cháo tình thương trong mỗi bình minh.
THOẠI KỲ