Những năm qua, ngành Thông tin, cơ yếu Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn là cầu nối liên lạc và bảo mật thông tin, phục vụ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và hỗ trợ cho công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn trên tuyến biên phòng tỉnh. Phía sau những “mạch máu” liên lạc thông suốt ấy là một đội ngũ cán bộ tận tụy, trách nhiệm và luôn vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.
Chiến sĩ ngành Thông tin, cơ yếu BĐBP tỉnh lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc- Ảnh: P.OANH |
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG
Tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Thông tin cơ yếu quân đội (9/9) vừa qua, đại úy Phan Sỹ Anh, Chủ nhiệm thông tin Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tự hào cho biết: Cách đây 65 năm, binh chủng Thông tin liên lạc và ngành Cơ yếu quân đội đã ra đời với nhiệm vụ là cầu nối thông tin liên lạc và bảo mật thông tin, phục vụ công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Qua nhiều thời kỳ đấu tranh cách mạng, cán bộ, chiến sĩ ngành Thông tin cơ yếu luôn giữ vững truyền thống “Trung thành, dũng cảm, mưu trí, kỷ luật, đoàn kết hiệp đồng, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc phục vụ tốt cho chiến đấu và công tác chung”. Phẩm chất đó cũng đã được xây dựng thành phương châm hành động và trở thành nề nếp, tác phong làm việc của người cán bộ ngành Thông tin, cơ yếu BĐBP tỉnh nhiều năm qua.
“Để giữ được “mạch máu liên lạc” trong mọi tình huống, trước hết người cán bộ Thông tin, Cơ yếu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ”, thượng úy Lê Minh Tâm, nhân viên thông tin báo vụ Đồn Biên phòng 352 chia sẻ. Những cán bộ chiến sĩ ngành Thông tin từng có những năm tháng làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Vịnh Hòa vào thời kỳ chưa có “điện, đường, trường, trạm” đều có những dấu ấn khó quên trong nghề. Thượng úy Lê Minh Tâm cho biết: Mỗi lần lên phiên liên lạc phải vừa quay Ga mô nô “đầu bò” để phát điện, vừa ghi lại thông tin các nhóm điện tiếp nhận, trong khi máy móc cũ kỹ, thời tiết ẩm ướt, mưa bão làm sóng bắt chập chờn, anh em phải gào thét, đọc đi đọc lại nhiều lần mới chuyển trọn vẹn một bản tin.
Thiếu tá Huỳnh Mai Ngọc Oanh, nhân viên sửa chữa máy vẫn nhớ rõ kỷ niệm của thời kỳ đầu mới nhận nhiệm vụ cách đây đã năm: Năm ấy, giữa mùa mưa bão, hệ thống thông tin của Đồn Biên phòng Vịnh Hòa bị sự cố nên không thực hiện được liên lạc. Anh được lệnh điều động tăng cường cho đơn vị. Khi ra đến nơi, mới biết, chiếc máy điện đàm đang dùng liên lạc đã quá cũ, công suất kém, nên khi mưa gió càng khó tiếp sóng. Trước yêu cầu nhiệm vụ, anh buột phải chọn giải pháp đưa máy lên chỗ trống ở trên núi cao để làm việc. Vậy là một ngày hai lần, vào phiên lên máy, anh và một chiến sĩ trẻ của đơn vị ôm chiếc máy P107 nặng 30kg cùng với bộ bình điện gần 10kg, vượt dốc leo lên đỉnh núi cao ở phía sau đồn để làm việc.
TẬN TỤY VÀ TRÁCH NHIỆM
Đi qua các đơn vị biên phòng trên địa bàn tỉnh đều dễ dàng nhận thấy, chỗ ở và làm việc của đội ngũ cán bộ Thông tin, Cơ yếu thường ở một vị trí khá vắng lặng. Hàng ngày các chiến sĩ thông tin báo vụ BĐBP cần mẫn với việc thu phát hàng loạt các công điện. Đến mỗi phiên các anh lên máy, những âm sóng lao xao, “tít tè” phát ra từ chiếc máy Icom, đó là thời điểm những cán bộ Thông tin và Cơ yếu tất bật nhất. “Có hôm vào thời gian cao điểm của công việc phải thu, phát hàng chục bức điện, anh em làm việc liên tục từ sáng sớm nhưng đến 20, 21g đêm mới xong”, Thượng úy Hoàng Đức Mạnh, tiểu đội trưởng tiểu đội thông tin báo vụ cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết.
Ngoài hàng chục phiên liên lạc theo yêu cầu và những công điện bất thường, vào mùa mưa bão, anh em còn đảm nhận trực canh máy điện đàm Icom để phục vụ công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn. Thượng úy Lê Minh Tâm, nhân viên báo vụ Đồn Biên phòng Đông Tác thổ lộ: Từ ngày đưa hệ thống máy Icom vào phục vụ công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, nhiệm vụ của anh em trong đơn vị càng nặng nề, bận rộn hơn. Mùa mưa bão, nhất là thời điểm bão, áp thấp gần bờ, hay lúc có tin tàu thuyền của ngư dân bị nạn, anh em phải túc trực bên máy suốt 24/24 giờ để giữ liên lạc và giúp ban chỉ huy đồn vận động cứu hộ cứu nạn. Câu chuyện làm anh và đồng đội thật sự xúc động là việc tổ chức cứu một tàu đánh bắt xa bờ bị nạn trong đợt áp thấp nhiệt đới bất thường hồi đầu năm nay. Đó là vào ngày 23/2, anh em ở Trạm Biên phòng Đà Rằng nhận tin chiếc tàu PY 91207 của ông Lê Văn Nhớ ở khu phố Đông Tác (TP Tuy Hòa) bị hỏng máy trôi dạt xin được ứng cứu. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy đồn đã chỉ đạo tổ thông tin mở máy điện đàm bắt đầu liên lạc với ngư dân trên tàu bị nạn. Thông tin cho thấy, tọa độ tàu bị nạn nằm cách đất liền khá xa, do vậy, chi phí cho việc đưa phương tiện ra lai dắt rất cao. Mặt khác hầu hết các tàu cá hoạt động gần đó đều mới ra đến vùng đánh bắt, chưa câu được cá, trong khi phí tổn cho chuyến đi rất lớn. Như vậy việc vận động phương tiện lai dắt rất khó.
Ban chỉ huy đồn biên phòng cùng bàn bạc và quyết định gọi anh Lê Văn Ân, một thợ sửa máy ở khu phố Đông Tác đến hỗ trợ, tư vấn cho chủ tàu bị nạn khắc phục. Hai đồng chí ở tổ thông tin của đồn có mặt, duy trì tiếp sóng đàm thoại để anh Ân hướng dẫn chủ tàu PY 91207 sửa máy. Sau hơn một ngày ròng rã liên lạc, tàu của anh Nhớ đã khắc phục được sự cố và đi vào đất liền để tiếp tục sửa chữa. Thượng úy Tâm cho biết thêm, từ đầu năm 2010 đến nay, qua hệ thống liên lạc đàm thoại, đơn vị đã bốn lần hỗ trợ ứng cứu thành công tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn bị nạn.
Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời phục vụ công tác trực sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chỉ huy chỉ đạo không chỉ là nhiệm vụ mà với những cán bộ, chiến sĩ thông tin, cơ yếu BĐBP, đó còn là tiếng nói từ tình cảm yêu nghề, ý thức trách nhiệm, sự tận tâm tận lực trước nhiệm vụ. Và, ở các anh còn có cả tấm lòng của người chiến sĩ mang quân hàm xanh đang ngày đêm sát cánh cùng với những người dân nơi đầu sóng ngọn gió.
PHƯƠNG OANH