Thứ Năm, 03/10/2024 11:26 SA
Khan hiếm lao động may công nghiệp tại Phú Yên:
Do thu nhập thiếu hấp dẫn
Thứ Năm, 09/09/2010 18:25 CH

Cùng một công việc, nhưng làm tại các doanh nghiệp may mặc ngoài tỉnh, công nhân có thu nhập cao hơn, dẫn đến nhiều người lao động Phú Yên đổ xô đi tìm việc ngoài tỉnh, tạo ra tình trạng khan hiếm lao động may công nghiệp ở địa phương.

 

may-2-100909.jpg

Công nhân trên dây chuyền may tại Công ty cổ phần May An Hưng - Ảnh: N.HÂN

 

THU NHẬP NGOÀI TỈNH GẤP 3 TRONG TỈNH

 

Ông Đỗ Kim Hà, chuyên viên tư vấn việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên cho biết: “Hiện ngành may mặc trong nước đang rất phát triển, nên  nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đổ xô về Phú Yên tuyển dụng lao động. Họ đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ cùng với mức lương khá hấp dẫn như ngoài lương căn bản, công nhân còn nhận thêm các khoản trợ cấp chuyên cần, nhà ở, ca đêm, trượt giá, tăng ca ngày thường, tăng ca ngày nghỉ… Tính sơ bộ, tổng thu nhập của một lao động mới vào làm việc cho các đơn vị ngoài tỉnh mỗi tháng trên 3,6 triệu đồng, gấp ba lần so với thu nhập cùng nghề trong tỉnh. Do vậy, nhiều lao động Phú Yên bỏ việc giữa chừng để đi làm ngoài tỉnh nhằm có thu nhập cao hơn”.

 

Phú Yên có khá nhiều công ty chuyên ngành may mặc, may xuất khẩu nên cần đến vài nghìn công nhân để sản xuất. So với mức thu nhập khá cao mà các doanh nghiệp ngoài tỉnh trả thì thu nhập từ 900.000-1,1 triệu đồng/tháng/lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh khó có thể “níu chân” công nhân. Chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) cho biết: “Ngày trước, tôi đi may được gần 4 tháng ở một xí nghiệp trong tỉnh, nhưng lương không đủ trang trải. Chúng tôi phải thuê nhà, phải trả tiền điện, nước… nên lương tháng không đủ chi tiêu. Tôi đã nghỉ may ở xí nghiệp đó và theo bạn bè đi may ở TP Hồ Chí Minh”. Không riêng chị Duyên, nhiều lao động khác đã quyết định nghỉ việc giữa chừng để tìm việc làm ngoài tỉnh với mức thu nhập cao hơn.

 

Ngoài ra, do đặc thù của ngành may, công nhân phải ngồi lâu một chỗ, lại là lao động thời vụ, không ổn định. Có lúc làm không hết việc phải tăng ca, tăng giờ, nhưng có lúc lại không có việc để làm, nên khi tham gia một thời gian, họ ngán ngại. Cũng không ít người lao động có tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ”, nhảy hết chỗ này đến chỗ kia, gây ra sự biến động rất lớn cho doanh nghiệp trong tỉnh.

 

DOANH NGHIỆP NỖ LỰC, NHƯNG...

 

Thiếu hụt lao động là chuyện không mới và đã được dự báo từ lâu, nhưng giải quyết được vấn đề này không phải là chuyện dễ dàng. Đại diện một doanh nghiệp may mặc Phú Yên cho biết, tuyển được một trăm lao động vào làm thì cũng có tới cả trăm công nhân bỏ việc.

 

Để chuẩn bị mở rộng sản xuất cuối năm 2010, thông tin tuyển dụng lao động may công nghiệp trong tỉnh lên đến con số vài nghìn tại các trung tâm giới thiệu việc làm như: Công ty cổ phần An Hưng cần tuyển 500 lao động may công nghiệp; Công ty TNHH May xuất khẩu Cavina cần tuyển gấp 120 lao động phục vụ sản xuất và cần tuyển thêm 500 lao động phổ thông, không cần tay nghề… Mức lương bình quân của một công nhân mới vào làm việc mà hai doanh nghiệp này đưa ra là 900.000-1,1 triệu đồng/tháng; công nhân lành nghề 2-2,8 triệu đồng/tháng; công nhân lâu năm 2,3-3 triệu đồng/tháng; vào thời vụ có công nhân nhận được mức lương gần 5 triệu đồng/tháng (vì lương khoán theo sản phẩm). So với trước đây, mức lương này được cho là khá cao.

 

Ông Phương Văn Lành, chuyên viên công tác xã hội và phát triển cộng đồng đang làm việc tại Công ty cổ phần An Hưng cho biết: Chúng tôi đã liên hệ các trường và trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo, cấp chứng chỉ nghề cho hàng trăm học viên ngành may, đồng thời giới thiệu về làm việc tại doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, tình trạng học viên học xong tự may gia công ở nhà rất nhiều, vì vậy nguồn lao động không đủ cung ứng so với nhu cầu tuyển dụng. Đây là bài toán nan giải cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Tôi nghĩ, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề ở các trường dạy nghề nên có những chuyển biến tích cực hơn.

 

Còn bà Dương Thị Thu Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Cavina cho biết: “Nhiều công nhân đã ký hợp đồng làm việc với công ty sau khi đã được đào tạo căn bản, nhưng nghe bạn rủ rê doanh nghiệp kia trả lương cao hơn nên bỏ việc giữa chừng. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề này bằng cách tổ chức một tổ dây chuyền may dự phòng chuyên may những đơn hàng không gấp, khi cần thiết thì bổ sung. Ngoài ra, doanh nghiệp giữ chân người lao động, bằng cách vẫn trả lương cho họ trong quy trình đào tạo nghề, tăng lương cho công nhân lành nghề, hỗ trợ cơm trưa, tiền chuyên cần, các chế độ quyền lợi người lao động được bảo đảm như khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm tai nạn, thất nghiệp… Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa tạo ra sức hút đối với lực lượng lao động phổ thông ngành may”.

 

Ông Cao Tới, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May  xuất khẩu Cavina nói: “Công đoàn cơ sở thường xuyên quan tâm thăm hỏi công nhân lúc ốm đau, khi gặp khó khăn, tạo mối quan hệ gần gũi giữa công nhân với lãnh đạo công ty. Lao động nữ có thai sản được nghỉ sinh 5 tháng vẫn được nhận lương, nhiều chị có con nhỏ được ưu tiên nghỉ việc từ 15 phút vào chiều mỗi ngày để đón con ở nhà trẻ và tiếp tục về làm việc lại; nhiều phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch dã ngoại… được tiếp tục tổ chức để tạo cho công nhân có khí thế làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.

 

NGỌC HÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek