Với 5ha cao su (trong đó 2,5ha đã cho thu mủ), vài hecta trồng các loại cây nông nghiệp khác cùng với đàn bò gần 20 con, ông Nay Y Dấc (tên thường gọi là Ma Min) ở buôn Quen, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh đã trở thành chủ của một gia đình khá giả trong buôn. Không những làm kinh tế giỏi, Ma Min còn nhiệt tình với công tác xã hội, sẵn lòng giúp đỡ người khác, được bà con buôn làng tin yêu.
Ma Min (trái) trao đổi công việc với Bí thư chi bộ buôn Quen Ma Miên - Ảnh: P.V
Phần vì đông con, phần vì thiếu đất sản xuất nên kinh tế gia đình Ma Hia (buôn Quen) luôn túng thiếu. Nhưng nhờ có Ma Min cho mượn hơn 1ha đất trồng bắp, trồng đậu, không những Ma Hia có tiền cho con đi học, mà còn mua được bò, được đất, cuộc sống ổn định. Ma Hia cho biết, Ma Min còn giúp nhiều hộ khác trong buôn thoát cảnh đói nghèo như: Ma Năm, Y Lưu, Y Kha...
Nghe tôi ngỏ ý muốn đến thăm Ma Min, Ma Hia vui vẻ dẫn đường. Đi tắt qua vài ngôi nhà sàn, cũng là lúc Ma Min vừa đi làm rẫy về chở theo sau 2 thùng mủ cao su đông đặc nặng khoảng 20kg. Với giá 21.000 đồng/kg, mỗi ngày Ma Min thu được hơn 400.000 đồng. Hơn hai tháng nay, gia đình Ma Min có thu nhập đều như vậy.
Chuyện Ma Min trồng cao su từng làm xôn xao cả buôn làng. Năm 2002, khi ô tô chở giống về, người trong buôn kéo đến bàn ra, tán vào. “Cây cao su quá lạ lẫm với bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Tôi biết loại cây này là nhờ được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật, được đi tham quan các mô hình trồng cao su”, Ma Min nói. Khi cây cao su đã bám rễ xanh tốt, Ma Min đi tuyên truyền giải thích và nhiều hộ gia đình khác đã làm theo. Đến nay, 10 hộ trong buôn có vườn cao su đã cho thu mủ, diện tích trồng cao su của buôn Quen tăng lên 35ha (chiếm 2/5 diện tích đất sản xuất).
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Ma Min còn giúp cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc. Ma Niên, Bí thư chi bộ buôn Quen, cho biết: “Những năm trước, trong buôn còn nhiều hộ không đến trạm y tế chữa bệnh mà để ở nhà cúng bái, Ma Min đã chủ động cùng với cán bộ Mặt trận đến tuyên truyền, giải thích. Ai không có tiền đi chữa bệnh, Ma Min sẵn lòng cho mượn không tính lãi. Khi nào có tiền thì trả, không có tiền Ma Min tạo điều kiện bằng cách đổi ngày công cuốc cỏ, tỉa bắp để trừ nợ. Để xóa bỏ tập tục nhốt bò dưới sàn nhà, Ma Min vừa tuyên truyền, vừa vận động gia đình, dòng họ mình làm chuồng bò. Nhờ vậy, đến nay 100% hộ gia đình trong buôn đã có chuồng bò ở xa nơi ở, các tục lệ lạc hậu trong buôn đã được loại bỏ”.
Gần 60 tuổi đời và 10 năm tuổi Đảng, Ma Min luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh, trật tự của buôn làng. Mặc dù bận rộn với nhiệm vụ ở xã như: Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Mặt trận xã, Ma Min vẫn thường xuyên phối hợp với lãnh đạo buôn, phân công từng người nắm bắt tình hình cơ sở để kịp thời giải quyết. Ma Ngọc, trưởng buôn Quen, cho biết: Buôn nằm sát ĐT 645 nên có nhiều đối tượng xấu ở Gia Lai, Đắk Lắk thâm nhập, kích động người dân. Khi phát hiện, Ma Min cùng chính quyền buôn cương quyết trục xuất các đối tượng này ra khỏi buôn. Nhờ vậy, những năm qua, tình hình an ninh chính trị của buôn luôn ổn định. Ma Min đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và giữ vững buôn Quen tiên tiến 3 năm liên tục. Riêng cá nhân Ma Min được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân năm 2004 và nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện …
VĂN THÙY