Âm thầm vượt qua tật nguyền, Nguyễn Bá Phước ở thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) tạo dựng cuộc sống ấm no và thắp sáng niềm tin cho con.
Anh Nguyễn Bá Phước vượt qua tật nguyền để tạo dựng cuộc sống ổn định - Ảnh: H.NAM
Nguyễn Bá Phước (49 tuổi), sinh ra ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa). Cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa, anh sống với gia đình người chú ruột. Ngày trước, chú anh là chiến sĩ cách mạng, hoạt động bí mật trên núi, lâu lâu mới về thăm nhà. Năm 1972, lúc đó Nguyễn Bá Phước mới 11 tuổi, một lần chú về thăm nhà anh năn nỉ chú cho đi theo lên núi. Cơ quan binh vận của chú lúc đó đóng tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), phân công nhiệm vụ cho Phước đưa, nhận thư. Sau 30/4/1975, Phước về sống tại thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) từ đó đến nay.
Năm 20 tuổi, Phước ngã bệnh, đôi chân không đi được, người trong xóm đặt anh cái tên Phước “lết”. “Từ nhỏ trải qua những năm dài sống cảnh mồ côi, lớn lên chưa kịp lập gia đình thì tai nạn ập tới, nghĩ lại lúc đó buồn “nẫu” ruột” – Phước “lết” nói. Hòa bình lập lại, Phước sống một mình. Trong một đêm trái gió trở trời, Phước “lết” ngã bệnh và được một người phụ nữ góa chồng sống bên kia đường đến chăm sóc. Cũng từ lúc đó hai người nảy sinh tình cảm, mặc dù chị lớn tuổi hơn anh. Vậy là họ đến với nhau, chị đã sinh cho Phước “lết” một đứa con gái, nhưng cũng chỉ giới hạn ở mức nhà ai nấy ở. Được làm cha, lúc ấy Phước đã 30 tuổi.
Đứa con ra đời là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời Phước “lết”. Anh nghĩ, phải làm cái gì đó để có vốn cho con sau này ăn học và cách duy nhất là lao động mới có “của để dành” nuôi con. Phước nói: “Hồi đó chưa có xe lăn, tôi tự lết lên rẫy một mình. Người không đứng được nên lúc nào cũng ngồi chồm hổm như con cóc nhưng phải ráng nạy từng hòn đá, bứng từng gốc cây, nhiều năm bươn chải tôi khai hoang được 3ha đất trồng sắn, mía”.
Nói chuyện làm nông mọi người đều nể phục Phước “có tật có tài”. Ông Nguyễn Ngọc Thọ, một người trong xóm cho biết: “Mặc dù tật nguyền nhưng ngày nào Phước cũng lết lên rẫy, có hôm nắng chang chang tôi làm đất gần bên không chịu nổi, vậy mà tôi về ăn cơm trưa xong khi quay lại thấy Phước “lết” đã qua suối rồi. Trùi trũi ngoài rẫy một mình chuyên cần lao động, bây giờ Phước đã có nhà ngói đàng hoàng, 3ha đất sản xuất, trong xóm khó có ai bằng”.
Cách đây trên 5 năm, Phước được một tổ chức từ thiện tặng chiếc xe lăn, từ đó cứ sáng sáng, anh “lăn” ra bờ suối Cối, tìm lá cây rừng tỉ mẩn tủ chiếc xe rồi lết qua suối lên rẫy. Cái bếp của anh từ trước đến nay lúc nào cũng nguội lạnh, nó giống như cuộc đời anh vậy, may mà anh còn có một đứa con. Phước “lết” tâm sự: “Vụ vừa rồi tôi thu hoạch được gần 50 tấn mía cây, gần 10 tấn sắn nhưng do giá phân bón đắt đỏ mà mình lại mua chịu từ đầu vụ, cuối vụ trả nợ cho đại lý với lãi suất cao và các khoảng chi phí khác tính ra thu nhập không bao nhiêu. Kết thúc vụ vừa rồi tôi còn dư được vài triệu đồng, nhờ đó có tiền gởi cho con gái đang học may ở Nha Trang”.
HOÀI