Thứ Tư, 02/10/2024 23:26 CH
Giải pháp nâng cao công tác kháng nghị án hình sự
Thứ Bảy, 24/07/2010 08:20 SA

Công tác kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hình sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện Kiểm sát nhân dân, chỉ có Viện kiểm sát mới được thực hiện trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

 

Việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Làm tốt công tác kháng nghị phúc thẩm là điều kiện đảm bảo để bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án, có sai phạm được khắc phục kịp thời, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

 

nhandan100724.jpg

Hội nghị cán bộ công chức của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để nâng cao chất lượng công tác - Ảnh: L.VĂN

 

Quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác kháng nghị phúc thẩm, những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên và các Viện Kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt công tác kháng nghị đối với các bản án, quyết định sơ thẩm hình sự của tòa án, phát hiện vi phạm và kháng nghị nhiều bản án, quyết định của tòa án để bảo vệ quan điểm đúng đắn của Viện Kiểm sát, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo vệ tài sản của Nhà nước cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Sau khi có Chỉ thị 03/2008 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, công tác kháng nghị không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Số kháng nghị được tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đạt tỉ lệ cao. Nhiều vụ án qua kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân đã khắc phục được sai phạm, thiếu sót của cấp sơ thẩm như bỏ lọt người phạm tội (vụ Võ Thuận và các đồng phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), xét xử không đúng tội danh (vụ Nguyễn Hoàng Việt trộm cắp tài sản; vụ Nguyễn Ngọc Cường vô ý làm chết người), cho bị cáo hưởng án treo không đúng (vụ Bùi Công Toại cố ý gây thương tích; vụ Bùi Công Huân vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…), tuyên phạt hình phạt quá nhẹ (vụ Huỳnh Đức Tới và đồng phạm cướp giật tài sản; vụ Huỳnh Nam cố ý gây thương tích…) hoặc xét xử quá nghiêm khắc (vụ Bùi Hồng Phong vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ)…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kháng nghị phúc thẩm cũng còn nhiều tồn tại như số lượng kháng nghị chưa nhiều, hình thức bản kháng nghị có trường hợp chưa theo đúng mẫu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; một số kháng nghị chưa đạt chất lượng, phải rút kháng nghị hoặc không được tòa án chấp nhận. Để nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, thời gian tới, các Viện Kiểm sát cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03/2008 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp của báo cáo chuyên đề “Những giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự” của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã đề ra. Theo đó, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vừa là nhiệm vụ, đồng thời là quyền năng pháp lý quan trọng mà Luật chỉ giao cho Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện, là một trong những hoạt động tố tụng đặc thù của Viện Kiểm sát nhân dân mà các cơ quan tiến hành tố tụng khác không thể có. Vì vậy, phải coi trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, coi đây là một trong những công việc trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong kế hoạch, chương trình công tác hàng năm phải đề ra chỉ tiêu phát hiện những bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm về áp dụng pháp luật, về thủ tục tố tụng để kháng nghị phúc thẩm… Nội dung kháng nghị phải phân tích, làm rõ căn cứ kháng nghị như bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; áp dụng không đúng điều khoản B, Luật hình sự; áp dụng không đúng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; kết luận của bản án hoặc quyết định sơ thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; xử quá nặng hoặc quá nhẹ không phù hợp với chính sách hình sự, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Kháng nghị phải phân tích rõ vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm, đối chiếu với các quy định cụ thể của điều luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thực hiện… Quyết định kháng nghị phải nêu rõ nội dung và phạm vi kháng nghị.

 

Không ngừng nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Việc phát hiện vi phạm trong hoạt động xét xử vụ án hình sự của Tòa án nhân dân là trách nhiệm của kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Kiểm sát viên phải làm tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của tòa án để xem có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, phù hợp với kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, phần nhận định của bản án có phù hợp với phần quyết định hay không… Đặc biệt, phải xem xét nội dung bản án về tội danh, khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và phần trách nhiệm dân sự… Vì vậy, kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa cần phải đề cao trách nhiệm, phát hiện kịp thời những vi phạm của tòa án để báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát xem xét, quyết định kháng nghị theo đúng quy định của pháp luật. Phải nhận thức rõ ràng rằng, nếu sau phiên tòa sơ thẩm mà kiểm sát viên không phát hiện ra vi phạm của tòa án, không báo cáo đề xuất kháng nghị phúc thẩm, sau đó Viện Kiểm sát nhân dân cấp phúc thẩm kháng nghị, được tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận, thì trách nhiệm trước hết thuộc về kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm. Đồng thời, phải thực hiện đúng quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm, báo cáo kết quả xét xử sơ thẩm, kháng nghị phúc thẩm cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp phúc thẩm. Khi gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp phúc thẩm phải có phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm.

 

NGỌC THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek