Đôi chân teo tóp, anh đi lại bằng 2 tay, mọi người trong xóm quen gọi anh là Phước “lết”. Hằng ngày anh vật vã kiếm sống bằng đủ thứ nghề, hết trồng sắn, trồng mía rồi đi làm thuê mướn. Thấy Trường tiểu học ở cạnh nhà quanh năm khô khốc không có một giọt nước cho các em học sinh uống, anh dành dụm tiền bằng sức lao động tật nguyền của mình đúc bọng, đào giếng nước cho trường tiểu học.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN
Năm 1965, lúc mẹ đang mang thai anh trong bụng thì ba anh hy sinh trong một trận càn của địch. Lớn anh biết ba qua tấm hình trên bàn thờ sau nải chuối xanh. Nối gót cha mẹ, năm 1971, Phước lên đường tham gia cách mạng, làm công tác binh vận, đóng ở Phước Tân (huyện Sơn Hoà). Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng anh theo mẹ về quê Tuy An sống một thời gian rồi chuyển lên xã Xuân Phước (Đồng Xuân). Mẹ đi thêm bước nữa, anh “mình trần thân trụi” lên tận thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 tự kiếm sống, một thời gian sau mới dời gia đình lên ở cùng.
Anh Phước
Năm 1980, sau một cơn sốt rét, Phước xắn quần lội vào chuồng bò cào đống phân ngập đến đầu gối. Tối đó đôi chân anh mỏi rã rời, đến sáng thì co quắp. Đằng đẵng hơn 3 tháng trời, anh nằm liệt trên giường bệnh. Cha dượng và mẹ anh cứ lo chạy thầy cúng, thầy mo. Khi thấy quá nặng mới khiêng đi bệnh viện. Điều trị ở bệnh viện Đồng Xuân gần 1 tháng, bệnh tình của anh có thuyên giảm, nhưng đó cũng là lúc mẹ anh lâm bệnh qua đời. Anh đành phải về nhà chịu tật từ ấy đến giờ.
Không đầu hàng số phận, hơn 25 năm, anh nỗ lực kiếm sống bằng đủ thứ nghề, người trong xóm làm được việc gì anh cũng làm được việc ấy. Rẫy bên kia suối anh “nạy” từng hòn đá to bằng cái mình, cái đầu bỏ hom sắn, hom mía xuống. Cứ thế từng ngày, từng ngày rẫy của anh rộng ra 1ha. Anh tâm sự: “Nói về làm nông, người lành lặn làm tới đâu, tôi tới đó”. Nghe tôi hỏi thăm đường đến nhà anh, lối xóm ai cũng khen anh là người có tật mà giỏi giang.
ĐÀO GIẾNG CHO TRƯỜNG TIỂU HỌC
Người dân trong xóm đến xách nước từ giếng mà anh Phước xây dựng để biếu cho trường tiểu học - Ảnh: Lê Trâm
Cách đây 5 năm, anh tích lũy số tiền làm lụng trên 1,5 triệu đồng đổ bọng đào cái giếng nước cách hè 50m. Số tiền chừng ấy một người tàn tật làm được phải “đổ mồ hôi, sôi con mắt” trong một thời gian dài mới có được. Anh kể sơ qua: “Làm được đồng nào dư dả bỏ vào cái áo gối trên đầu giường để dành…”. Anh xây một cái hồ chứa nước sau vách hậu, dự định mua mô tơ về đặt dưới giếng đúc tấm đan đậy lại để khỏi bị mất cắp, hút nước từ giếng về xài. Trường tiểu học ở cạnh nhà, với 6 lớp học, vùng cao, giờ ra chơi các em học sinh ùa ra giếng uống nước đông nghịt, thấy vậy nên anh không đành lòng đậy nắp giếng lại. Trước khi có giếng nước của anh, học sinh đi học phải “dỡ” theo bi đông nước hoặc phải đi uống ké nhà xung quanh. Gánh nước xa mệt quá riết rồi mấy nhà xung quanh lấy gáo (ca) cất… “Mình tật nguyền không làm được gì lớn lao giúp ích cho xã hội, thôi thì cống hiến cái giếng nước sau hè cho các em học sinh nó uống” – Anh tâm sự vậy. Thế là ngày ngày vào mùa hè anh “tha” từng gàu nước về nấu cơm (trong năm học thì có thầy cô và học sinh xách nước hộ). Cả xóm ai cũng khen anh tốt bụng chịu khổ cho mình làm việc nghĩa. Cái giếng nước của anh Phước làm mát bụng cho 200 học sinh dân tộc thiểu số Chăm Bana ở trường Tiểu học Suối Cối 2. Cả thầy cô giáo đều uống chung giếng nước này. Không phải cho thầy cô và học sinh uống không, mà mùa nắng 20 hộ dân ở tổ 3 này gánh nước từ giếng anh về uống. Anh Phước bày tỏ: “Hằng ngày tôi nhìn những đôi môi nhỏ xíu uống nước mà thấy thương làm sao!”. Số tiền đào giếng tính ra không “nhiều nhỏi” gì so với đôi ba trăm triệu đồng những người giàu có làm từ thiện, nhưng với một người tật nguyền như anh Phước thì thật đáng quý.
MẠNH HOÀI