Những năm gần đây, ở Phú Yên rộ lên phong trào chơi đá cảnh. Các nghệ nhân đã cất công về các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hoà, Sông Hinh - nơi có con sông lớn như Kỳ Lộ, sông Ba, Sông Hinh để săn tìm “đá quí”. Dưới dòng sông có nhiều tảng đá đẹp từ hình dáng đến sắc màu. Trên núi thì có nhiều gộp đá mà thiên nhiên tự tạo với nhiều hình thù khác nhau. Thấy ai cũng thích, cũng trầm trồ. Nhưng để mang được đá về nhà là chuyện không phải dễ dàng.
Một đại lý mua bán đá cảnh ở thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) - Ảnh: T.L
Dòng sông Ba đoạn từ thác Thá, thác Hàng Luồng đến thác Ch’Rây Ve ở xã Suối Trai, là nơi xây dựng những hạng mục chính của dự án thủy điện sông Ba Hạ đang thi công. Những viên đá, tảng đá dưới lòng sông Ba lộ lên, nhiều anh chị em ở Sơn Hoà, Sông Hinh đi tìm đá cảnh về trưng bày trong vườn để thưởng ngoạn. Cũng không ít người biến “hồn đá” trở thành hàng hóa, khai thác về bán cho các quán cà phê, giải khát ở TP Tuy Hòa và nhiều nơi khác, thậm chí còn thu mua để xuất bán cho các tỉnh lân cận. Đá ở sông Ba bao đời đã ẩn mình dưới đáy sông, được bào mòn nhẵn nhụi, đa dạng về màu sắc và hình dáng… Những viên đá nào có dáng đẹp màu độc đáo, giá phải từ 2 triệu đến 5 triệu đồng; những loại khác có giá thấp hơn, trong khoảng 200.000 đến 500.000 đồng.
Đá cảnh có giá trị như thế nên nhiều người đã đi theo “nghề” này. Khi thời vụ nhàn rỗi, có một số người ở thôn Tịnh Sơn (Sơn Hoà) hoặc ở các xã, phường đồng bằng Tuy Hòa đã đổ xô về sông Ba để săn tìm đá cảnh về bán cho các đại lý kinh doanh mặt hàng mới này. Từ đây đá cảnh Phú Yên sẽ được phân phối đến nhiều tỉnh khác. Để tìm được những viên đá đẹp không phải là dễ, phải lặn mò dưới dòng nước. Có những viên đá hàng trăm ký phải có đến ba, bốn người, tốn nhiều ngày mới xoay chuyển nổi vào bờ, vì thế nên dọc bờ sông Ba có những lán trại của dân “săn” đá “đóng quân” ở đó nhiều ngày liền.
Ông Sáu Ngò ở thôn Lò Giấy, xã Hòa Định Đông (Phú Hòa) cho biết: “Chúng tôi bắt đầu theo “nghề” này từ tháng tư âm lịch năm nay. Nếu trúng “mánh” thì kiếm cũng khá hơn nhiều so với làm ruộng, có khi mỗi người một ngày được năm, bảy chục ngàn. Nhưng nhiều khi cả ngày mò mãi mà không kiếm được gì, có khi chơi không vì nước lớn…”. Còn ông bạn của tôi bán cà phê cạnh “đại lý” đá cảnh ở thị trấn Củng Sơn thì cho hay: “Tôi thấy mỗi ngày các nhóm thợ khai thác đá cảnh đem đến đây từ 2 đến 3 viên, có lúc họ bán được nhưng cũng có khi chủ đại lý chê không mua”. Ông Huỳnh Đành ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) kể cho tôi nghe về đi tìm đá cảnh, ông nói: “Mưu sinh bằng nghề săn đá cảnh này không dễ “ăn” đâu. Ngâm mình dưới dòng nước xoáy, mò mẫm từng viên đá bên vực thác, thấy vừa ý phải dùng xà beng xeo nạy, viên nhỏ dưới một tạ thì nhờ bầu bạn chuyển lên bờ, lớn hơn phải bỏ lên bè kéo. Khi có được sản phẩm, các ông chủ buôn đá, những “thượng đế” yêu thích đá cảnh chê khen đủ điều để hạ giá”.
Những viên đá cảnh từ các dòng sông, ở những thác ghềnh xa xôi được đưa về trong vườn cây cảnh, ở phòng khách sang trọng hoặc tại các quán cà phê, giải khát… trở thành nghệ thuật, mỹ thuật ai cũng yêu thích. Góp phần vào thú chơi tao nhã ấy hiếm người biết có những người gian nan đi mò đá ở đáy sông…
TRẦN LÊ KHA