Năm ngoái, chị Nguyễn Thị Huệ (thị trấn Chí Thạnh- Tuy An) ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư quái ác, để lại hai đứa con chưa đến tuổi trưởng thành. Từ đó, hai chị em Nguyễn Thị Thảo Trang và Nguyễn Trung Hiếu sống đùm bọc với nhau trong mái ấm gia đình không có mẹ cha.
Thảo Trang vốn là con ngoài giá thú của chị Huệ thời son trẻ. Trung Hiếu cũng chẳng hạnh phúc hơn chị gái mình. Khi mang thai Hiếu, người đàn ông thứ hai trong cuộc đời chị Huệ bỏ đi biền biệt không một lời hồi âm. Một mình người đàn bà bất hạnh này phải nuôi hai đứa con thơ dại. Kể sao hết những khốn khó của mẹ với hơn 17 năm nuôi con một mình, Trang không cầm được nước mắt. “Mỗi khi có ai nhắc đến mẹ là em đều khóc”. Nhìn lên bàn thờ mẹ, Trang kể trong nước mắt: “Lúc ấy, vì không sao cáng đáng nổi công việc nhà nước, nên mẹ đành xin thôi việc. Rồi mẹ đi làm phụ hồ trong những lúc không bận bịu với con cái. Sau này mẹ em xin làm tạp vụ ở các nơi như Bưu Điện Tuy An, UBND thị trấn Chí Thạnh… nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn. Mẹ lại bệnh nặng…”. Cuộc sống khốn khó luôn đè nặng trong ngôi nhà nhỏ, nên Trang dần hiểu được những vất vả, hy sinh của mẹ. Đứa con gái lớn biết chia sẻ với mẹ bằng tình cảm mẫu tử thiêng liêng nhất. Song đều kinh khủng là em không thể kéo níu thêm cuộc sống của mẹ.
Ngoài việc làm lụng vất vả kiếm sống, Thảo Trang còn giúp em mình học tập - Ảnh: Thu Thủy
Hồi mẹ còn sống, thấy mẹ sức khoẻ không đảm bảo lại vất vả làm lụng, nên ngoài giờ học, Trang tranh thủ đi bán kem phụ cô hàng xóm để kiếm thêm tiền tramg trải phần nào cho cuộc sống gia đình. Lúc mẹ bệnh nặng, Trang như không còn lý trí, em bảo muốn chết theo mẹ. Nhưng khi em nghe mẹ nói “Nếu má có ra đi, con phải cố gắng thay má nuôi em. Con phải sống bằng nghị lực của mình, đừng buồn chán nghen con!” cô bé tuổi 17 đã thức tỉnh. Lời trăn trối ấy cũng chính là động lực giúp em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống sau này của mình.
Những lúc buồn, mệt mỏi, Trang đến bên bàn thờ mẹ khóc một hồi để nguôi ngoai rồi lại nghĩ mình càng phải cố gắng hơn. Bởi em Trung Hiếu đang cần chị gái là chỗ dựa duy nhất còn lại. Trang kể: “Trong lúc nuôi mẹ bệnh, em định nghỉ học một năm rồi sau này xin học lại. Song, không như ý định của em. Mẹ bị ung thư nặng nên mất nhanh, em phải quay lại lớp cùng bạn bè”ø. Với Trang, giờ chỉ có con đường học thành tài mới kiếm được việc làm ổn định để lo cho em trai và bản thân mình được chu tất.
Trung Hiếu còn nhỏ, năm nay tuổi mới 12, chỉ biết học hành và chơi đùa chứ chưa hiểu hết cuộc sống khó khổ mà hai chị em đang phải cố gắng. Trang hiện là người chị và cũng là “người mẹ” của Hiếu. Chuyện này có lẽ quá sức đối với một cô bé chưa đến tuổi trưởng thành. Nhưng vì có niềm tin từ mẹ nên Trang sẽ làm được mọi điều tiếp theo.
Nói đến Trang, ai cũng khâm phục chuyện vượt khó học giỏi. Không chỉ hồi học THCS, mà ở những năm học ở trường THPT Trần Phú, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhất là khi mẹ qua đời, tinh thần suy sụp, nhưng Trang vẫn cố gắng giữ vững thành tích trên. Trang vừa thi vào đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Học viện Ngân hàng Hà Nội. Theo em, bài làm cũng khả quan. Nhưng nếu năm nay không đỗ vào đại học, em cũng sẽ ôn luyện và thi tiếp chứ không bỏ cuộc. Trang nghĩ cuộc sống trước mắt và lâu dài của hai chị em cần vào trình độ học tập. Vả lại cũng chẳng còn con đường nào khác. Em bảo:”Không phải trẻ mồ côi nghèo nào cũng chờ sự cưu mang mà phải biết vượt qua khó khăn, thay đổi cuộc sống bản thân”. Trước mắt, hai chị em Trang sống nhờ tiền trợ cấp (tiền tuất của mẹ) mỗi tháng 490.000 đồng. Đến tháng 12 này, Trang không còn được hỗ trợ vì đã tròn 18 tuổi. Thấy chúng tôi e ngại về những kinh phí cho học tập của em sắp tới, Trang liền nói: “Em cũng có ít tiền hồi bà con đi viếng lúc mẹ mất, đã gởi ngân hàng. Với lại, khi được vào đại học, em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm. Chỉ lo cho em Hiếu khi ở nhà không có chị chắc sẽ cù bất cù bơ lắm. Sau này, tụi em phải nhờ bà con hàng xóm thôi”.
Ngày gia đình Việt
THU THỦY