Phú Yên là một tỉnh còn nghèo nhưng đối tượng hưởng chính sách khá lớn, đến nay toàn tỉnh đã được nhà nước công nhận và thực hiện chế độ chính sách cho trên 50.000, trong đó, hơn 13.000 gia đình liệt sĩ,100 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 5000 thương bệnh binh…
Sau 10 năm, tỉnh Phú Yên quy tập được gần 1.000 hài cốt liệt sĩ
Từ năm 1995 đến nay, ngoài việc đẩy mạnh công tác xác nhận và đề nghị nhà nước công nhận các đối tượng hưởng chính sách, công tác xây dựng xã phường làm tốt công tác thương binh, chăm sóc đời sống vật chất tinh thần cho thương binh liệt sĩ và người có công, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp ngành hội đoàn thể phối hợp thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa… Từ đó phong trào chăm sóc đời sống thương binh liệt sĩ, người có công được các cấp uỷ đảng quan tâm sâu sắc ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực. Qua đó, góp phần làm giảm bớt những khó khăn về vật chất động viên tinh thần các thương binh liệt sĩ, người có công, đời sống của đối tượng ngày càng được nâng cao và ổn định, làm cho họ yên tâm tin tưởng vào chủ trương đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Từ năm 1996 đến nay, từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn tỉnh đã xây mới 1447 nhà, sửa chữa 1.154 nhà với tổng kinh phí ước trên 17 tỉ đồng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách. Tỉnh cũng trích ngân sách xây dựng 49 nhà cho nhiều người hưởng chính sách có công thuộc diện nghèo theo đề án xoá nhà tạm. Ngoài phần đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, nhiều đơn vị, cơ quan đã xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa, tặng trực tiếp cho các đối tượng chính sách, tạo cho họ có nhà cửa đàng hoàng, có điều kiện làm ăn, ổn định đời sống. Nhờ các chính quyền địa phương quan tâm, đến nay đời sống của 150 thương bệnh binh và các gia đình thương bệnh binh nặng đã ổn định nhà ở, đời sống và sức khoẻ, được các y bác sĩ ở trạm xã phường thường xuyên chăm sóc, điều trị kịp thời khi ốm đau, bệng tật tái phát.
Qua thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa đã góp phần chăm sóc các đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn, đồng thời khích lệ tinh thần thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công hăng hái thi đua lao động sản xuất… Nhiều gia đình thương binh trước đây đời sống rất khó khăn, nay đã có cuộc sống khá, con cái đều thành đạt trong học tập.
Ở xã, phường, phong trào tình nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu với hiệu quả ngày càng lớn. Chăm sóc giúp đỡ người có công đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp từ thôn bản, khu phố, đến các cơ quan đơn vị, các lực lượng vũ trang, trường học… Những năm qua, các địa phương thường xuyên duy trì được phong trào chăm sóc phụng dưỡng bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, hội đoàn thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời, mỗi mẹ được các cơ quan phụng dưỡng từ 150.000- 250.000 đồng/ tháng, đồng thời thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên về tinh thần, ốm đau, được chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước về cấp đất ở, xoá đói giảm nghèo, giải quyết lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ việc làm, ưu tiên giao đất sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, hướng dẫn những kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ cây con giống trong việc chuyển đổi vật nuôi cây trồng…đã tạo thuận lợi cho người có công có điều kiện trong sản xuất để tăng thu nhập, nhờ thế, đời sống của người có công được cải thiện, và phát triển, họ có điều kiện tham gia công tác xã hội, vượt qua cuộc sống đói nghèo, phấn đấu vươn lên khá giả. Ở các địa phương đều có gương điển hình thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công làm kinh tế giỏi, thu nhập bình quân từ 30-50 triệu đồng /năm. Qua khảo sát tình hình đời sống của các gia đình chính sách ở nhiều địa bàn khác nhau, kết quả cho thấy không có gia đình chính sách thuộc diện hộ đói, ở khu vực đồng bằng, thành phố có từ 20- 25% gia đình chính sách có mức sống khá và giàu, còn lại hầu hết gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư địa bàn nơi cư trú. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phong trào xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã vận động nguồn kinh phí các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng 65 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở địa phương để nhân dân và gia đình chính sách đến viếng vào các ngày lễ. Qua 10 năm tỉnh đã tìm kiếm cất bốc được gần 1.000 hài cốt liệt sĩ có tên, có địa chỉ đưa vào mai táng tại các nghiã trang liệt sĩ. Qua phong trào đi tìm đồng đội có nhiều tấm gương tiêu biểu vượt khó khăn gian khổ để đi tìm hài cốt của đồng chí mình.
NGUYỄN VĂN LÃNG
Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội Phú Yên