Ông bà ta có câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Ông Nguyễn Tài Khoa ở thôn Chứ Sai (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) dù bị khuyết tật ở mắt nhưng với nghị lực, ông đã vượt qua đói nghèo để làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Ông là một đảng viên gương mẫu đi đầu trong các phong trào, được bà con tin yêu.
Mô hình nuôi heo rừng của ông Nguyễn Tài Khoa – Ảnh: V.THÙY |
Quê ở Thanh Hóa, trong một lần vào thăm người thân ở thôn Chứ Sai, ông Tài bị “hút hồn” bởi sự phì nhiêu, màu mỡ của vùng đất đỏ bazan này và quyết định chọn Chứ Sai làm quê hương thứ hai. Với 10 triệu đồng vay mượn từ người thân ở quê, ông Khoa mua 3ha đất để trồng cà phê. Chân ướt chân ráo vào lập nghiệp trên vùng đất mới, vợ thì sinh con nhỏ, một mình ông phải bươn chải làm thuê để kiếm tiền mua gạo, thời gian còn lại ông dành hết tâm huyết chăm sóc vườn cà phê với hy vọng thoát cảnh nghèo. Thế nhưng, đến khi thu hoạch, giá cà phê trên thị trường rớt thảm hại, thu không đủ chi. Không nản chí, ông Khoa quyết tâm làm lại từ đầu bằng việc trồng lúa nước. Cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, ông đắp đập tích nước, san ủi 1.500m2 để trồng lúa nước hai vụ. Năm đầu thu được gần 2 tấn, ông không chỉ giải quyết được tình trạng thiếu ăn hàng ngày mà còn để chăn nuôi gà, vịt tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Không dừng lại ở đó, để có đất sản xuất, ông quyết định phá bỏ 3ha cà phê vối để xen canh bắp, mè, đậu, sắn. Cùng với đó, ông mở rộng quy mô chăn nuôi gà, heo, tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất. Năm 2004, gia đình ông thoát được nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn. Ông Khoa tâm sự: “Có được ngày hôm nay là nhờ sự động viên của bạn bè, bà con giềng xóm, cộng với việc chính quyền, đoàn thể địa phương tạo điều kiện cho tôi vay vốn ưu đãi, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện…”.
Có vốn “lận lưng”, với suy nghĩ quanh quẩn mãi với cây bắp, sắn, con gà thì khó làm giàu, ông Khoa quyết định mua, thuê thêm đất để mở rộng sản xuất. Ông tìm đến Nông trường cà phê Ea Bá học kỹ thuật trồng cà phê chè, lên Gia Lai tìm hiểu mô hình nuôi heo rừng về áp dụng. Ông Khoa đang nuôi 5 con heo rừng giống, trong đó 3 con heo nái 4 tuổi, mỗi năm đẻ chừng 30 heo con, giá bán 2,5 triệu đồng/con, cho thu nhập trên 75 triệu đồng. Ông Khoa nói: “Nuôi heo rừng là một mô hình mới, nếu bà con có nhu cầu học hỏi, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm”.
Sau 15 năm lập nghiệp trên quê hương mới, đến nay ông Khoa đã sở hữu 3ha cà phê chè đang kỳ thu hoạch, 5ha cao su, 5ha keo lá tràm, 6ha sắn, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu nhập từ 75 đến 80 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, là đảng viên, ông Khoa còn là một nhân tố tích cực trong các hoạt động xã hội ở địa phương, được bà con hàng xóm tin yêu bởi sự gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ngoài việc giúp đỡ các gia đình khó khăn về ngày công, gạo, tiền..., ông luôn sẵn lòng truyền lại những kinh nghiệm của mình trong sản xuất, chăn nuôi. Với sự giúp đỡ của ông, nhiều gia đình trong thôn Chứ Sai đã thoát nghèo, như hộ ông Hồ Sĩ Phương, Trần Văn Hà, Phan Bơi, Lê Trọng Nhất… Năm 2008, ông Khoa được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn Chứ Sai. Ngoài ra, với trách nhiệm Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Ea Trol, ông Khoa đã vận động và tập hợp 76 người khuyết tật trong xã tham gia sinh hoạt hội; làm hồ sơ giúp các hội viên vay 150 triệu đồng từ dự án phát triển sức khỏe cộng đồng để phát triển sản xuất. Ông Trần Quang Quyền, Trưởng thôn Chứ Sai, nói: Ông Khoa là hạt nhân trong việc xây dựng chi bộ đảng, chính quyền thôn buôn đoàn kết, vững mạnh. Sau cơn bão số 9 và 11/2009 vừa rồi, ông Khoa đến từng nhà thăm hỏi về tình hình thiệt hại, lấy gạo nhà mình hỗ trợ các hộ thiếu ăn vì mưa bão, giúp bà con dọn dẹp cây cối, nhà cửa bị đổ ngã.
VĂN THÙY