Thứ Ba, 26/11/2024 03:23 SA
Thao thức cùng dân
Thứ Sáu, 15/01/2010 11:00 SA

Mỗi lần đi cùng trung úy Trần Ngọc Anh về địa bàn là thêm một lần tôi hiểu thêm được nhiều điều. Có nhiều câu chuyện, nỗi niềm, sự việc tưởng như chẳng liên quan gì đến chức danh đội trưởng đội vận động quần chúng của một đồn biên phòng nhưng vẫn khiến anh thao thức, trăn trở. Qua đó hiểu hơn câu nói: “đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt”.

 

tran-ngoc-anh.100115.jpg

Trung úy Trần Ngọc Anh luôn gần dân, nói đi đôi với làm – Ảnh: P.OANH

 

ĐẾN VỚI DÂN

 

Ấn tượng khó quên sau mỗi chuyến công tác cùng trung úy Trần Ngọc Anh về địa bàn chính là những con đường ngập đầy đá sỏi, hay chi chít ổ gà, ổ voi. Trung úy Trần Ngọc Anh phân giải: “Mưa, lũ cuốn trôi hết phần đất nền, còn trơ đá, nước đọng tạo nhiều hang, ổ”. Thế nhưng, chúng tôi biết, không chỉ lần này, gần bốn năm nay, hành trình hàng chục cây số mỗi ngày để “sát địa bàn”, “đến với dân” của đội trưởng vận động quần chúng thuộc Đồn biên phòng 346 (TX Sông Cầu) này luôn là vậy. Có ngày ì ạch bò lên xóm núi Phú Vĩnh, khi lại đổ dốc xuống vùng sâu Vũng La, lại có lúc vượt qua những rẻo đường đất bụi, đi ngược núi lên mạn phía tây để đến các địa bàn Hảo Danh, Hảo Nghĩa… Quả thật, địa bàn này có đến 3/4 những con đường về các xóm nhỏ xa xôi ven biển trong tình trạng gập ghềnh, xộc xệch. Mùa mưa thì sình lầy, mùa khô thì sỏi đá và mịt mù bụi đất. Nhiều làng xóm, khu dân cư bị núi chia cắt, nằm heo hút, cách trở gây khó khăn trong việc đi lại. “Nếu không đến nơi, không ngọn ngành tường tận từng khu dân cư để hiểu bà con đang cần gì, khó khăn như thế nào thì thật là có lỗi”, trung úy Trần Ngọc Anh giải bày.

 

Bởi vậy, cả 18 khu phố, thôn ven biển thuộc địa bàn đơn vị quản lý không có đường thôn, ngõ xóm nào mà trung úy Trần Ngọc Anh chưa đặt chân đến. Mỗi nơi, anh thuộc nằm lòng từng ngõ xóm, nhớ tên rành mạch từ trưởng thôn, cụ già cao niên đến các em nhỏ tật nguyền. Có những hôm giữa buổi trưa, trời nắng như thiêu đốt, anh vẫn tranh thủ đi bộ, vượt cả cây số với những dốc núi dựng đứng ở Phú Vĩnh vào thăm những cụ ông, cụ bà ở một xóm nhỏ nằm khuất sau núi. Sau đó lại đi thăm, động viên các em nhỏ bị tật nguyền, tư vấn chuyện làm ăn cho một số bà con nghèo.

 

NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM 

 

Mùa xuân này là năm thứ hai, người dân ở xóm núi Phú Phong, Phú Sơn thuộc khu phố Phú Vĩnh được đi trên những con đường rộng rãi, thoáng đãng do cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 346 thi công. “Đây chính là kết quả từ ý tưởng của trung úy Trần Ngọc Anh”. Ông Phan Hồng Vinh, khu phố trưởng Phú Vĩnh cho biết:  Ngày trước, người dân muốn đến trung tâm thị xã phải theo những đường mòn nhỏ hoặc băng nhờ qua vườn nhà người khác, cỏ cây rừng chằng chịt, giăng khắp lối. Đời sống bà con nơi đây vốn đã nghèo, càng thêm khốn khó vì cách trở đường đi lối lại. Tết năm 2008, khi lên xóm thăm bà con, trung úy Trần Ngọc Anh đã đưa ra ý tưởng về việc mở đường cho các xóm núi. Đó cũng là niềm ao ước bao lâu nay của người dân trong thôn. Vậy là, “đề án” mở đường đi từ Phú Vĩnh lên Phú Phong, Phú Sơn đã nhanh chóng lên kế hoạch và trình ban chỉ huy đồn quyết định. Nhờ sự gắn kết của nghĩa tình quân dân, hình hài hai con đường dài gần 2km, thoáng đãng, băng qua những triền núi hiện ra. Con đường gần hai năm qua đã giúp cho bà con Phú Sơn, Phú Phong thuận lợi trong việc giao thương, nhờ vậy đời sống đã được cải thiện hơn trước rất nhiều.

 

Anh Lê Văn Ngọc, cán bộ văn phòng xã Xuân Phương cảm kích kể: Hôm bão số 11, lũ đổ về làm sạt núi Đá Tượng, đất đá tràn xuống, án ngữ đoạn đường nối Phú Mỹ - Trung Trinh. Xã bộn bề công việc sau mưa lũ, loay hoay tìm cách giải phóng hơn 400m3  đất đá thì trung úy Trần Ngọc Anh báo cáo, đề xuất với  ban chỉ huy đơn vị nhanh chóng triển khai lực lượng về giúp địa phương. Nhờ vậy chỉ qua hơn hai ngày, đoạn đường bị ách tắc được giải phóng. Các chiến sĩ Đồn biên phòng 346 thì cho biết, đội trưởng vận động quần chúng Trần Ngọc Anh đang đầu tư đề án giúp dân làm lại sân trường mẫu giáo ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương. Những ngày này, anh thường xuyên đi địa bàn, liên hệ cán bộ thôn để bàn bạc, đề xuất ý kiến huy động công sức và tổ chức lực lượng vận chuyển vật liệu  để thi công công trình.

 

Rất nhiều, rất nhiều những phần việc dường như không có trong chức năng của người lính biên phòng nhưng trung úy Trần Ngọc Anh đã xắn tay làm. “Ở nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đã vậy, mỗi mùa mưa lũ đi qua, người dân càng thêm khốn khó, nhọc nhằn”, trung úy Anh trăn trở. Niềm thao thức đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc người chiến sĩ này không ngừng nỗ lực trên hành trình hướng về địa bàn, để chia sẻ gian nan và cùng xây đắp nên một thế trận lòng dân vững chắc.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek