Thứ Sáu, 04/10/2024 02:20 SA
Người cán bộ biên phòng sống giữa lòng dân
Chủ Nhật, 06/12/2009 11:00 SA

Tại hội nghị gặp mặt những điển hình tiêu biểu thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), thiếu tá Phạm Văn Cười, Trạm phó Trạm Biên phòng Vũng La trông khá lặng lẽ, e dè. Ít ai biết người cán bộ biên phòng ấy đã có 15 năm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, trở thành một người con của thôn Dân Phú 2 (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu).

 

anh-Cuoi.091204.jpg

Thiếu tá Phạm Văn Cười đang trao đổi thông tin với bà con ngư dân sau mỗi chuyến biển – Ảnh: HỒNG CHIÊN

 

THẦY THUỐC BẤT ĐẮC DĨ

 

Với nụ cười hiền, giọng nói chậm rãi, từ tốn, thiếu tá Phạm Văn Cười đã khiến chúng tôi thật sự xúc động khi nghe anh kể chuyện cứu đồng đội bị rắn độc cắn. “Lúc ấy, bỗng dưng tôi thoáng nhớ ai đó nói rằng, trong tình thế cấp bách bị rắn cắn, thì kê miệng vào vết cắn, hút mạnh, nọc rắn sẽ ra. Vậy là tôi rạp ngay người xuống, áp sát miệng vào cẳng chân anh ấy rồi hút mạnh…Và, thật may mắn, hạnh phúc vì tôi đã cứu sống được đồng đội của mình” - anh nói.

 

Chuyện này xảy ra trên đường tuần tra, hơn mười năm về trước. Hồi đó, những ai từng một lần đến Vũng La không thể không cảm thấy ái ngại trước chặng đường dài hàng chục cây số đi qua những dốc cao chênh vênh và gập ghềnh đá núi để đến được với “ốc đảo” xóm Vũng xa xôi và cách biệt này. Hai bên con đường dẫn vào xóm dày đặc cây rừng. Những chuyến tuần tra trên địa bàn, cán bộ chiến sĩ của trạm phải đi bộ suốt cả ngày, vượt lên những dốc núi, luồn qua những bụi cây rậm rạp. Hôm ấy, trời xẩm tối, mấy anh em đi tuần, về gần tới trạm thì xảy ra chuyện. “Đó chỉ là một cách làm trong trường hợp bất khả kháng chứ không phải làm đúng, bài bản. Song quan trọng nhất là trong tình thế nguy cấp đã cứu người thành công” - thiếu tá Phạm Văn Cười bộc bạch.

 

Sau lần ấy, anh càng thấm thía với giá trị của những bài học sơ đẳng về phương pháp cấp cứu người bị nạn trong tình huống nguy khẩn. Anh cho biết: “Ở vùng đất này, khi xảy ra sự cố tương tự, nếu không xử trí ban đầu thì khó có thể bảo toàn sinh mạng cho tới lúc đến được cơ sở y tế bởi đường đi lại quá cách trở”. Mới đây, thiếu tá PhạmVăn Cười đã cứu một người bị đuối trôi trên biển khi bão số 11 đổ bộ vào Phú Yên. Hôm ấy, trong lúc đang lên núi tránh triều cường, nhìn về hướng biển, một số người dân thấy trong vô số đồ đạc, vật dụng trôi dập dềnh trên biển hình như có một xác người. Tin tức được báo ngay cho Trạm biên phòng Vũng La. Nhận tin báo, thiếu tá PhạmVăn Cười đã nhanh chóng đề nghị anh Nguyễn Văn Tâm, một ngư dân trong vùng cho mượn phương tiện và lái thuyền đưa mình ra biển xem xét tình hình. Chiếc thuyền ra đến nơi, tiếp cận người bị nạn và được vớt lên trong tình trạng chiếc áo phao đã bị sóng đánh tả tơi, toàn thân bất động. Nhanh chóng đưa vào bờ, thiếu tá Phạm Văn Cười hướng dẫn một số người dốc người bị nạn lên, xốc nước ra rồi nhờ bà con đốt lửa ủ ấm, xoa bóp toàn thân nạn nhân. Riêng anh vừa khơi thông vùng hầu họng vừa hà hơi, thổi ngạt và xoa tim ngoài lồng ngực. Hơn một giờ sau, nạn nhân bắt đầu có phản xạ, co duỗi được tay chân và lơ mơ nhận biết mọi người xung quanh. Sau hai ngày nằm dưỡng sức tại xóm chài Vũng La, ngư dân bị nạn cho biết, anh tên Đặng Văn Đông, làm nghề biển ở An Ninh Đông (huyện Tuy An). Khi bão đổ vào, anh đang ở trên thuyền để chằng neo thì bị sóng đánh đứt neo làm trôi và lật chìm thuyền. Anh bị rơi xuống nước và trôi dạt, qua một ngày đêm thì tấp vào nơi đây…

 

ĐIỂM TỰA

 

“Bao năm qua, ở nơi xa xôi, heo hút này, anh em Trạm Biên phòng Vũng La và thiếu tá Phạm Văn Cười như một chỗ dựa tin cậy của bà con” - anh Nguyễn Văn Thắm, một ngư dân ở Dân Phú 2 khẳng định. Trung tá Nguyễn Văn Kính, Chính trị viên Đồn Biên phòng 346, cho biết: 15 năm gắn bó với vùng đất này, dường như không có hoạt động nào trong mục tiêu chăm lo cho dân, xây dựng địa bàn lại thiếu vắng sự tham gia của đồng chí Phạm Văn Cười. Tốt nghiệp sơ cấp biên phòng, đồng chí Phạm Văn Cười được phân công về đồn rồi được biên chế về “trụ” hẳn ở Vũng La. Ngày ấy, chưa có đường sá, vùng này như một ốc đảo bị cô lập, ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp núi cao, năm ngày mới có một chuyến đò từ nơi này ra bến cá Dân Phước và ngược lại.

 

Ngót 15 năm cắm chốt ở địa bàn heo hút này, thiếu tá Phạm Văn Cười đã làm rất nhiều công việc. Buổi đầu, anh là thầy giáo của những đứa trẻ mới chập chững vào tiểu học, rồi thành thầy thuốc, vận dụng kinh nghiệm dân gian để cứu chữa người gặp nạn. Những lúc thôn xóm có bất hòa, anh làm cán bộ hòa giải. Bà con thắc mắc và không hiểu chủ trương chính sách thì anh trở thành cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn giải thích cho họ.

 

Hỏi về kinh nghiệm để thành công, để được dân tin và nghe theo như hiện nay, anh mộc mạc trả lời: Chỉ biết sống hết mình và luôn tâm niệm phải thực sự gắn bó với dân, tận tụy ân cần chăm lo cho dân như người thân ruột thịt.

 

NGỌC VÂN - PHÚ DŨNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phan Đình Thế hết lòng vì buôn làng
Thứ Sáu, 04/12/2009 16:00 CH
Hiệu quả sau một năm thực hiện
Thứ Sáu, 04/12/2009 14:00 CH
Chung sức giúp đồng bào vùng bão lũ
Thứ Sáu, 04/12/2009 08:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek