Dự án Phát triển sức khỏe cộng đồng do cộng đồng quản lý do ngành Y tế Phú Yên hợp tác với Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam triển khai 5 năm qua tại 9 xã thuộc 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong giúp đỡ người khuyết tật phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng...
Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
Sau khi bị tai nạn giao thông, anh Phan Văn Thông ở thôn Phú Ân (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) bị liệt cả tay chân. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ y tế xã Hòa An cùng dụng cụ tập luyện, anh có thể đi lại làm công việc nhà. Ngoài hỗ trợ về phục hồi chức năng, dự án còn hỗ trợ kinh phí để người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Điều này đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ, quan niệm về người khuyết tật ở cộng đồng một cách tích cực hơn. Anh Đàm Văn Thịnh ở thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) bị chấn thương cột sống do tai nạn lao động cách đây 15 năm. Khi các vết thương đã lành, anh vẫn không làm gì được nên cảm thấy rất buồn chán. Anh nghĩ, chỉ có công việc mới mang lại niềm vui, tuy nhiên, mọi thứ đều thật khó khăn. Nhiều lần thất bại, anh không nản chí mà quyết tâm làm cho bằng được. Ý chí, nghị lực và lòng kiên trì đã giúp anh ổn định cuộc sống với nghề đúc chậu kiểng. Anh Thịnh nói: “Từ khi có công việc, tôi cảm thấy có niềm tin, thêm yêu cuộc sống”.
Được giúp đỡ, người khuyết tật đã vượt qua những trở ngại cá nhân, vươn lên hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chị Đoàn Thị Trúc Ly ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) thổ lộ: “Sau khi bị tai nạn, tổ chức Y tế Hà Lan, Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng giúp tôi một phần vốn mở quán cà phê. Nhờ vậy, tôi đã thoát ra khỏi sự mặc cảm của bản thân, hòa nhập cộng đồng và đã lập gia đình”.
Dự án “Phát triển sức khỏe cộng đồng do cộng đồng quản lý” đã hỗ trợ cho Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng gần 190 triệu đồng cho 80 hộ vay phát triển các loại ngành nghề truyền thống địa phương, chăn nuôi heo, bò. Dự án cũng đã hỗ trợ cải thiện môi trường cho gia đình người khuyết tật như dời chuồng gia súc xa nhà, đào giếng khơi, nhà vệ sinh, lò đốt biogas, hỗ trợ người khuyết tật đi khám bệnh ở tuyến kỹ thuật cao như tuyến tỉnh, tuyến trung ương…
Ông Võ Cao, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, cho biết: “Hiện còn người khuyết tật ở địa phương có nhu cầu được các tổ chức tạo thêm nguồn vốn để họ có công việc làm, dụng cụ vận động, đi lại. Địa phương mong muốn có một nguồn vốn để thành lập một tổ hợp, giúp người khuyết tật làm chổi đót hoặc những công việc theo khả năng của họ”.
Qua 5 năm, toàn tỉnh có hơn 350 người khuyết tật được phục hồi chức năng tại nhà và hòa nhập, trong đó có 110 người có việc làm và phát triển kinh tế, 33 trẻ em được đi học. |
Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Phú Yên, toàn tỉnh có khoảng 39.000 người khuyết tật, chiếm 5,6% dân số. Trong số này, người cần phục hồi chức năng chiếm khoảng 14.000 – 15.000 người với nhiều lứa tuổi. Hiệu quả dự án mang lại vẫn chỉ ở phạm vi nhỏ. Để tiếp tục thực hiện việc này, đòi hỏi có sự hỗ trợ, hợp tác, trách nhiệm của các ngành các cấp ở những địa phương được triển khai dự án cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Phú Yên, nói: “Chúng tôi muốn phục hồi chức năng phải mang tính toàn diện, không chỉ giúp người khuyết tật phục hồi về mặt thể chất, mà còn hướng tới hòa nhập, phát triển cá nhân. Làm thế nào để sau khi được giúp đỡ, họ có khả năng vươn lên, làm chủ trong công việc, nuôi sống bản thân, giảm được gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây là mục tiêu cuối cùng của phục hồi chức năng đúng nghĩa”. Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho rằng: “Cần có chính sách tạo điều kiện về tư tưởng, tình cảm, công ăn việc làm để giúp người khuyết tật tái hòa nhập. Sau khi được phục hồi các chức năng, họ sẽ tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ gia đình. Ngành Y tế sẽ cùng với các xã, huyện đào tạo cán bộ trong cộng đồng, những người tư vấn, giúp đỡ không chỉ tại bệnh viện mà xuống từng địa bàn dân cư”.
MINH NGUYỆT