Hơn 25 năm qua, cứ vào dịp Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS (1/12 hàng năm), Liên Hợp Quốc cùng với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động phòng, chống AIDS trên toàn thế giới lại sát cánh bên nhau phát động Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu với các chủ đề phù hợp với trọng tâm hoạt động, mục tiêu phấn đấu của năm đó và cho năm tiếp theo.
Năm nay, trong khi tiếp tục vận động thực hiện chủ đề xuyên suốt trong 5 năm (2006-2010) là “Tăng cường lãnh đạo, giữ vững cam kết: Quyết tâm ngăn chặn AIDS”, Liên Hợp Quốc cùng các cơ quan thường trực Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu đã chọn chủ đề cụ thể, chuyên biệt cho chiến dịch năm 2009 là “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” (“Universal Access and Human Rights”).
Việc chọn chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” là nhằm tập trung sự quan tâm của các chính phủ và cộng đồng quốc tế vào việc thiết lập, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV sao cho có thể tiếp cận được tất cả mọi người. Mặt khác, chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” cũng khẳng định với các quốc gia và các cộng đồng rằng, việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, hỗ trợ, chăm sóc và điều trị liên quan đến nhiễm HIV/AIDS là quyền của con người. Điều ấy có nghĩa là tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội hay hành vi nguy cơ… khi có nhu cầu đều có thể tiếp cận được các dịch vụ này mà không gặp bất kỳ một sự cản trở nào. Bởi đơn giản đó là quyền của tất cả mọi người và do vậy các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan có nghĩa vụ phải đáp ứng. Đồng thời, thông qua chủ đề này, các chuyên gia và các nhà hoạt động phòng, chống AIDS muốn nhấn mạnh rằng, phòng chống dịch HIV/AIDS cần coi việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, hỗ trợ, chăm sóc và điều trị liên quan đến nhiễm HIV/AIDS. Đây là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người cần được đáp ứng một cách đầy đủ. Chủ đề này còn là lời kêu gọi tất cả các quốc gia, các cộng đồng xã hội, các gia đình, các cá nhân hãy xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, phụ nữ và những nhóm người dễ bị tổn thương khác (như người tiêm chích ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính hay thân nhân người nhiễm HIV…). Phát biểu nhân dịp công bố chủ đề phòng, chống AIDS toàn cầu năm nay, ông Michel Sidibe, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho rằng, tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV là một quyền của con người cần được đáp ứng. Và các đáp ứng toàn cầu với dịch HIV/AIDS cần được dựa trên cơ sở những quyền cơ bản của con người. Sự phân biệt đối xử, những quy định mang tính trừng phạt đối với những người nhiễm HIV và những người dễ bị tác động bởi HIV cần phải loại bỏ...
Ông M.Sidibe đã có lý khi nêu ra ý kiến trên, bởi cho đến nay, sau gần 30 năm đương đầu với HIV, rất nhiều quốc gia vẫn có những luật và quy định cản trở sự tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người có quan hệ đồng giới nam, quan hệ đồng giới nữ, những người chuyển giới, những người bán dâm và những người nghiện chích ma túy... Trong khi đó, xét cả về mặt khoa học, mặt thực tiễn và các bài học kinh nghiệm từ những thực hành tốt nhất trong phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới thì việc những người thuộc các nhóm đối tượng “đang bị ngăn cản” này tiếp cận được với những biện pháp can thiệp giảm tác hại (như giáo dục đồng đẳng, trao đổi bơm kim tiêm, cung cấp bao cao su và hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế…) là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn sự lan truyền của HIV. Tài liệu của UNAIDS và Cơ quan điều hành Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2009 còn cho thấy, hiện có 84 quốc gia báo cáo rằng, họ vẫn đang có những luật và chính sách với các điều khoản cản trở việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS cho những nhóm quần thể dễ bị tổn thương nói trên. Bên cạnh đó, hiện nay còn có tới 59 quốc gia vẫn đang có những luật hạn chế việc nhập cảnh, ở lại và cư trú của những người nhiễm HIV chỉ dựa trên tình trạng HIV dương tính của họ, phân biệt đối xử với họ về tự do di chuyển và quyền được làm việc. Bên cạnh đó, các luật và quy định bảo vệ những người nhiễm HIV khỏi sự phân biệt đối xử; bảo vệ phụ nữ khỏi sự bất bình đẳng giới và bạo lực tình dục vẫn chưa được triển khai và củng cố một cách đầy đủ… Như vậy chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” còn nhằm thúc giục các quốc gia rà soát, “gỡ bỏ” các điều khoản quy định hoặc các chính sách không còn phù hợp.
Trách nhiệm thực hiện “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” trước hết thuộc về các chính phủ, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị liên quan đến nhiễm HIV/AIDS. Tiếp theo đó là các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm vận động, thuyết phục, hướng dẫn; còn bản thân những người nhiễm HIV và những người dễ bị tổn thương cần chủ động tiếp cận các dịch vụ này vì sức khỏe của bản thân, đồng thời để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS...
Cuối cùng, chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” kêu gọi các chính phủ, chính quyền các cấp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện Cam kết toàn cầu về HIV/AIDS năm 2001 và Tuyên bố chính trị toàn cầu về HIV/AIDS năm 2006, hướng tới việc đạt được một trong những Mục tiêu Thiên niên kỷ là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự lây lan của HIV/AIDS trên phạm vi toàn cầu vào năm 2015.
VĂN KHÔI (tổng hợp)