Xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) từng là xã mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhiều bà con trước đây nghe theo lời kẻ xấu, bây giờ đã an cư lạc nghiệp, chí thú phát triển kinh tế gia đình. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm của Đảng và chính quyền nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, bày cho họ cách làm ăn mang lại hiệu quả, còn có sự đóng góp của anh Phan Đình Thế.
Anh Phan Đình Thế (đứng giữa) bàn chuyện làm ăn với người dân xã Ea Lâm – Ảnh: A.NGỌC
Năm 1992, Phan Đình Thế đến vùng đất Ea Lâm lập nghiệp. Lúc đầu anh dạy học, sau đó chuyển qua làm ở UBND xã. Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, anh đem kiến thức học được để áp dụng và truyền đạt lại cho bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Ea Lâm là xã miền núi được hưởng các chương trình 135 và 134 của Chính phủ. Người Ê đê chiếm gần 90%, thu nhập chủ yếu dựa vào lúa rẫy nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Cách đây mấy năm, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở xã Ea Lâm rất phức tạp, chỉ một mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt kẻ xấu có thể lợi dụng kích động trở thành phức tạp. Từ năm 2007, Phan Đình Thế được Đảng ủy, UBND xã phân công vận động cảm hóa một số đối tượng theo Tin lành - Đề ga gây rối trật tự trên địa bàn xã. Bằng kiến thức của mình, cộng với lời lẽ chân tình, hợp lý anh đã cảm hóa được nhiều đối tượng nhận ra lầm lỗi mà làm ăn lương thiện.
Không ai nghĩ Ma Dốt lại có ý tưởng táo bạo đắp đập trồng lúa nước. Anh từng bị kẻ xấu lôi kéo theo đạo Tin lành - Đề ga, vượt biên qua Campuchia. Rồi anh đã nhận ra những việc làm sai trái của mình. Trở về quê hương, anh được anh Thế vận động xây dựng mô hình kinh tế VACR (vườn – ao - chuồng - rừng). Không có vốn, Ma Dốt thuyết phục vợ bán 8 con bò và vay mượn thêm để thuê máy đào rãnh, đắp đập ngăn suối Sái làm hồ chứa, san ủi 3.000m2 đất thành ruộng làm lúa nước. Được anh Thế chia sẻ kinh nghiệm, năm đầu tiên 2008, anh thu hoạch hơn 4 tấn lúa, bà con ở buôn Bưng A ai cũng thán phục. Ma Dốt tâm sự: “Lúc đầu thấy tôi bỏ tiền ra để đắp đập ngăn nước nhiều người bảo tôi ném tiền qua cửa sổ. Nhưng mấy anh lãnh đạo xã và anh Thế bảo đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, xã sẽ tạo điều kiện để phát triển nên tôi yên tâm làm”. Ma Dốt bán lúa, vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để san ủi mở rộng diện tích lúa nước và xây dựng chuồng nuôi heo siêu nạc. Đến nay, gia đình Ma Dốt xuất chuồng 16 con heo thịt, sau khi trừ chi phí, lãi gần 10 triệu đồng. Ngoài cây lúa nước và con heo, anh còn có gần 1.000m2 ao nuôi cá, trồng 7ha keo, bạch đàn và điều, 13 con bò.
Từ kết quả của Ma Dốt, đến nay xã Ea Lâm có 48 hộ áp dụng mô hình phát triển kinh tế VACR, như Ma Men, Ma Tun, Ma Gao, Y Lé, Ma Nhưng, Mab Dung… Vin Y Krái ở buôn Bai, tâm sự: “Tôi không có nghề nghiệp gì, nhờ chú Thế hướng dẫn làm thủ tục vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi của ngân hàng chăn nuôi bò vỗ béo và buôn bán nhỏ nên có thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình”. Ksơr Y Đen, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, cho biết: “Nhờ sự nhiệt tình của anh Phan Đình Thế, nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo”.
ANH NGỌC