Thứ Sáu, 04/10/2024 22:31 CH
Những bông hoa tỏa sáng
Thứ Tư, 11/11/2009 09:00 SA

Sáng nay (11/11), huyện Sông Hinh tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện năm 2009. Tham dự đại hội có 120 đại biểu chính thức đại diện cho 20.710 người của 12 dân tộc thiểu số anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện. Báo Phú Yên giới thiệu 3 đại biểu tiêu biểu trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Già làng Ma Hong: CÒN SỨC CÒN CỐNG HIẾN

 

Ma-Hong.091111.jpg

Dù ở tuổi 75, nhưng già làng Ma Hong vẫn là nòng cốt trong công tác hòa giải ở buôn Bai nói riêng và xã Ea Lâm nói chung. Từ chuyện vợ chồng xích mích, chuyện tranh chấp đất đai, chuyện thanh niên uống rượu say đánh nhau đến chuyện tuyên truyền vận động nhân dân không nghe kẻ xấu kích động… già làng Ma Hong đều tham gia hòa giải. Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Y Đen, cho biết: “Vào những thời điểm các đối tượng xấu đến lôi kéo, xúi giục bà con, già làng Ma Hong như con thoi, lúc thì đến ủy ban xã, lúc thì đến những điểm “nóng” để giải thích cho bà con hiểu chuyện đúng, chuyện sai. Ở đâu có già làng Ma Hong, ở nơi đó bình yên…”.

 

Già làng Ma Hong được bà con dân làng nể trọng, không chỉ bởi ông là người đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mà trong công cuộc đổi mới ông đã đóng góp rất lớn cho Ea Lâm. Với sự năng động trên nhiều cương vị như chủ tịch, bí thư xã, Ma Hong đã vận dụng khéo léo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần đưa vùng đất Ea Lâm từ nghèo nàn, lạc hậu từng bước thay da đổi thịt, đời sống bà con ngày càng ấm no…

 

Nông dân sản xuất giỏi Bàn Nguyên Thành: LÀM GIÀU NHỜ BIẾT HỌC HỎI

 

BAN-NGUYEN-THANH.091111.jpg

Năm 1994, gia đình anh Bàn Nguyên Thành từ miền Bắc đến vùng đất Tân Bình, xã Ea Ly lập nghiệp. Khởi đầu từ hơn 2 sào trồng lúa nước để giải quyết lương thực hàng ngày, sau đó anh Thành mở rộng diện tích đất rẫy lên 9ha trồng mè, đậu... nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Anh Thành cho biết: “Từ khi được tham gia các lớp tập huấn về cây trồng, vật nuôi, được đưa đi tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm kinh tế. Với phương châm “đa cây, đa con”, diện tích đất gần nước tôi trồng cà phê, đất cằn trồng cây lấy gỗ, diện tích còn lại tôi trồng cao su, sắn, lúa nước…”. Trong số 4,5ha cao su đã có 1ha cho thu hoạch với khoảng 4 triệu đồng/tháng, 0,5ha cà phê trừ chi phí thu lời 18 triệu đồng/năm, 3,5ha sắn lãi trung bình 30 triệu/năm, 0,6ha lúa nước cho thu lãi khoảng 28 triệu đồng/2 vụ. Ngoài ra, đàn bò, heo, gà, vịt cho thu nhập hàng năm trên 65 triệu đồng. Tính riêng năm 2008, trừ hết chi phí, anh Thành thu lãi ròng hơn trăm triệu đồng.

 

Anh Thành tâm sự: “Hiện kinh tế gia đình tôi đã ổn định, con cái được đến trường… Có được như ngày hôm nay tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước”.

 

Già làng Ma Vi: HỌC ĐỂ XÂY DỰNG BUÔN LÀNG

 

Ma-Vi.091111.jpg

Buôn Krong, xã Ea Bia nổi tiếng bởi có nhiều người thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Có được kết quả này có phần đóng góp rất lớn của già làng Ma Vi. Vào những thời điểm khó khăn nhất, khi cái bụng còn đói, hạt bắp ra chưa đều, ông vẫn luôn động viên khích lệ con cháu mình phải bám lớp, bám trường. Không phụ lòng mong mỏi của ông, người con thứ là Lơ Mô Tu đã thi đậu đại học. Niềm vui của gia đình Ma Vi cũng là niềm vui chung của buôn làng bởi ngay sau đó hàng chục thanh niên khác lần lượt bước chân vào các giảng đường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Ngoài Lơ Mô Tu, con trai út Y Ngưu của Ma Vi cũng học hành đến nơi đến chốn và đang công tác trong ngành công an. Các cháu của Ma Vi như Y Thái, Y Trưng, Y Xuân, H’Kim nhờ có kiến thức nên đã trở thành cán bộ ở xã, huyện, làm giáo viên… Già làng Ma Vi tâm sự: “Các con, cháu được học hành đến nơi đến chốn và đang phát huy kiến thức để cống hiến cho xã hội, đó là phần thưởng, là tài sản quý giá nhất của vợ chồng tôi…”.

 

Già làng Ma Vi là người có nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn chữ viết Ê Đê nên ông được huyện mời dạy tiếng Ê Đê cho cán bộ và nhân dân trong huyện. Còn người cháu Y Thái của ông được huyện giao nhiệm vụ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ê Đê phát trên Đài truyền thanh huyện. Nhờ chương trình phát sóng này mà chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào Êđê dễ dàng hơn.

 

N.CHUNG – V.THÙY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bay đến vùng cô lập
Thứ Ba, 10/11/2009 14:00 CH
Nỗ lực thoát cảnh cô lập
Thứ Ba, 10/11/2009 11:00 SA
Hai câu chuyện
Thứ Ba, 10/11/2009 09:29 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek