Thứ Sáu, 04/10/2024 22:34 CH
Bay đến vùng cô lập
Thứ Ba, 10/11/2009 14:00 CH

Vượt qua thử thách và cả những hiểm nguy do thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, những chuyến bay nối tiếp nhau đưa hàng cứu trợ đến với đồng bào ở các vùng bị lũ tàn phá nặng nề, bị cô lập giữa bốn bề nước dữ. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi của các phi công Đoàn Không quân C17 và các sĩ quan, chiến sĩ Đoàn Không quân C10, những người dân sau lũ có được thức ăn, nước uống...

 

VAN-CHUYEN.091110.jpg

Chuyển gạo cứu trợ đến cho đồng bào Đồng Xuân - Ảnh: TẤN LỘC

 

BAY CÙNG VN SAR-04

 

Sau một hồi khởi động và gầm rít, chiếc trực thăng Mi 171 mang số hiệu VN SAR-04 nhấc mình khỏi mặt đất, mang theo 1,9 tấn gạo cứu trợ đồng bào.

 

Hôm đó trời nhiều mây, chốc chốc lại có mưa và gió khá mạnh. Thời tiết như thế này rất không thuận lợi cho những chuyến bay. Nhưng đã mấy ngày rồi, đồng bào ở những vùng bị bão lũ tàn phá nặng nề chẳng có hạt cơm lót dạ, mà đường thì vẫn còn tắc. Tất cả trông chờ vào những chuyến bay của 3 chiếc Mi được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân điều động đến Phú Yên, trong đó có hai chiếc chuyên cứu hộ cứu nạn.

 

Chiếc Mi 171 bay dọc biển, xuyên qua bầu trời TP Tuy Hòa với vận tốc 200 km/giờ. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy quê mình từ trên không, ở khoảng cách rất gần, chỉ 200 m so với mực nước biển. Nếu trong một hoàn cảnh khác, cảm xúc sẽ là sự hân hoan vui sướng. Nếu không có những khu dân cư, những cánh đồng vẫn bị nhấn chìm trong nước, vô số đìa tôm nước tràn bờ, nếu không có những làng xóm tan hoang, nhà cửa nát vụn sau trận lũ…, cảm xúc chắc chắn sẽ khác.

 

Đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), chiếc Mi 171 bắt đầu ngược theo sông Cái để đến huyện miền núi Đồng Xuân, nơi người dân vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận lũ lịch sử. Một sĩ quan làm nhiệm vụ cơ giới trên không giải thích: Vùng này có nhiều núi cao, lại bay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên phải lượn theo sông để an toàn. 

 

Cơ trưởng, thượng tá Ngô Vi Sơn của Đoàn Không quân C17 đăm đăm nhìn về phía trước, gương mặt cương nghị và có phần khắc khổ. Anh đang tập trung vào công việc điều khiển máy bay, ngay trước mặt là vô số đồng hồ mà một người vừa chân ướt chân ráo bước lên trực thăng như tôi không thể nào “đọc” được. Ngồi cạnh cửa sổ phía bên kia khoang lái, cơ phó kiêm dẫn đường, trung tá Hà Quốc Hưng, cũng đang chăm chú vào công việc. 20 phút sau khi máy bay cất cánh, thị trấn La Hai hiện ra ngay bên dưới, chiếc Mi 171 bắt đầu hạ độ cao. Sĩ quan ngồi giữa cơ trưởng và cơ phó đọc tốc độ, độ cao để cơ trưởng chuyên tâm vào việc điều khiển hạ cánh, tăng thêm độ an toàn chuyến bay.

 

Máy bay chưa đáp xuống khoảng đất trống ở thôn Long Thăng, thị trấn La Hai, những đứa trẻ đã xuất hiện. Rồi những người lớn có mặt, hối hả cùng các chiếc sĩ Đoàn Không quân C10 chuyển gạo ngay sau khi máy bay vừa đáp. Một người đàn ông gầy gò tên Nguyễn Văn Minh nói rằng, nhà ông gạo không còn, quần áo cũng không còn. Ngay tại thị trấn này, gia đình ông cũng như nhiều bà con đang đói, đang chờ cứu trợ.

 

Việc bốc dỡ hàng diễn ra trong vòng 3, 4 phút. Chiếc Mi 171 lại nhấc mình khỏi mặt đất, lượn theo sông để về Tuy Hòa.

 

NHỮNG HÀNH TRÌNH CỨU HỘ CỨU NẠN

 

Co-truong.091110.jpg
Cơ trưởng Ngô Vi Sơn

VN SAR-04 là một trong hai chiếc trực thăng chuyên cứu hộ cứu nạn được điều đến Phú Yên. Chiếc máy bay này do Nga sản xuất, chở được gần 30 người, nhưng tất cả ghế đã được tháo ra nhường chỗ cho những “hành khách” quan trọng là thực phẩm. Trên máy bay có một bộ phận để khi cần, có thể thả xuống một cái “gàu”, múc mỗi lần 3-4m3 nước phục vụ công việc chữa cháy, và có một cái cẩu. Ngày 5/11, VN SAR-04 đã bay 5 chuyến, trong đó 4 chuyến đưa hàng cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở Phú Yên, một chuyến lên Gia Lai cứu người.

 

“Lúc 8g30 sáng 5/11, chúng tôi đang làm nhiệm vụ cứu trợ thì nhận được tin báo ở thôn Y Ang Nam, xã K’Rông Pa, tỉnh Gia Lai có 3 người bị lũ cuốn trôi, kẹt trên một mỏm đá giữa sông” - Cơ trưởng Ngô Vi Sơn kể. Sau 40 phút, VN SAR-04 tiếp cận tọa độ trên. Máy bay bay vào khe núi, gió giật, phi công phải tính toán ngược gió, tránh núi tránh cây rồi thả một lính dù xuống, lần lượt đưa những người bị nạn lên máy bay. Không chỉ cứu được ba người bị kẹt ở giữa sông kể từ khi bão lũ ào tới, tổ bay do thượng tá Ngô Vi Sơn làm cơ trưởng còn cứu được một sĩ quan dù của Trung đoàn 940 ở bờ sông bên kia, cách đó khoảng 1 km. Đó là một trong nhiều chuyến bay nguy hiểm và thành công của VN SAR-04. “Tổ bay rất vui mừng vì cứu được đồng đội và người dân bị nạn” - thượng tá Ngô Vi Sơn thổ lộ.

 

Cứu người xong, tổ bay tiếp tục làm nhiệm vụ, chở gần 2 tấn gạo lên Đồng Xuân, sau đó mới về dùng bữa trưa vào lúc… 13 giờ chiều.  

 

Chuyến bay đến Bình Tây, một thôn hẻo lánh ở xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu) cũng là chuyến bay nguy hiểm. Máy bay bay ở giữa, hai bên là núi cao hiểm trở. Khi chỉ còn cách Bình Tây khoảng 2 km thì cơn giông ập đến. Mưa gió trùng trùng, VN SAR-04 không thể tiếp tục cuộc hành trình, phi công chỉ còn cách cho máy bay vượt lên, đến độ cao an toàn và trở về sân bay Tuy Hòa để  đi chuyến tới.

 

“BỘ ĐỘI BAO GIỜ CŨNG ĐI ĐẦU”

 

Các phi công của Đoàn Không quân C17 cho biết, hầu như năm nào họ cũng tham gia cứu hộ cứu nạn đồng bào bị bão lụt. Địa điểm mỗi năm mỗi khác, nhưng nỗi đau thì giống nhau khi từ máy bay nhìn xuống, thấy cảnh nhà cửa, vườn tược ruộng đồng thấm biết bao mồ hôi công sức của người dân bị nhấn chìm trong dòng nước hung hãn. Vì vậy, các phi công luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để đưa nhu yếu phẩm đến với những người dân đang đói rét, ở những nơi mà các phương tiện giao thông khác không thể tiếp cận được. “Phú Yên có nhiều núi cao, thời tiết lại khắc nghiệt, công tác cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bộ đội bao giờ cũng đi đầu, làm hết khả năng của mình để giúp đồng bào” - sĩ quan Nguyễn Chí Hiền ở Đoàn Không quân C17, người có 25 năm gắn bó với những chuyến bay, tâm sự. Thượng tá Phạm Văn Tuấn làm nhiệm vụ cơ giới trên không trên máy bay VN SAR-04, nói: “Khi máy bay đưa thực phẩm đến, bà con rất cảm động”. Còn thượng tá Nguyễn Văn Dụ, đồng nghiệp của thượng tá Phạm Văn Tuấn cho biết: Hôm trước, 3 chuyến bay chở tổng cộng 25 chiếc quan tài để bà con vùng lũ chôn cất những người bị thiệt mạng. Lúc khiêng lên và khiêng xuống, ai nấy rơm rớm nước mắt”. Thượng tá Nguyễn Văn Dụ đã có 32 năm mặc áo lính, 29 năm gắn bó với những chuyến bay, nhưng đây là lần đầu tiên anh đi cứu hộ mà chở theo quan tài.

 

Để nhu yếu phẩm đến được với đồng bào ở những vùng bị nước lũ cô lập, Đoàn Không quân C10 phối hợp với Đoàn Không quân C17 (Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân) làm việc liên tục từ ngày 4 đến trưa 6/11. Thượng tá Vũ Đức Quý, Đoàn trưởng Đoàn Không quân C10 cho biết: Ba chiếc máy bay hoạt động liên tục để mang thực phẩm đến với bà con nhanh nhất. Và lúc nào cũng có từ 200 - 300 sĩ quan, chiến sĩ ứng trực tại sân bay, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Theo thượng tá Vũ Đức Quý, kể từ chuyến bay đầu tiên vào sáng 4/11 đến chuyến bay cuối cùng kết thúc lúc 12g25 phút ngày 6/11, hai đơn vị không quân đã phối hợp thực hiện 37 chuyến bay, chuyển hơn 60 tấn hàng các loại đến với đồng bào vùng bão lũ.

 

Các anh đã làm việc hết sức mình, bằng trái tim của những người Việt đối với đồng bào, bằng trách nhiệm và lòng quả cảm của những người lính không quân Việt Nam.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hai câu chuyện
Thứ Ba, 10/11/2009 09:29 SA
Chung sức giúp đồng bào vùng bão lũ
Thứ Ba, 10/11/2009 08:30 SA
Cơ bản khôi phục cầu Lò Gốm
Thứ Ba, 10/11/2009 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek