Đến chiều 5/11, tại một số địa phương của tỉnh Phú Yên, nước lũ đã rút, nhưng cuộc sống của người dân còn rất lâu mới trở lại bình thường. Có về vùng lũ Tuy An, Đồng Xuân mới thấy hết thảm cảnh nơi dòng nước bạo cuồng quét qua...
Vợ chồng cụ Võ Văn Ca (xã Xuân Sơn |
Khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ xác xơ tiêu điều. Rác rến vương vãi khắp nơi. Đó đây, tiếng than khóc của người bị mất người thân thật thê lương. Trên khoảng sân trống và cả lối đi, người dân tận dụng tất cả mặt bằng để phơi quần áo, mùng mền, sách vở đang ướt sũng. Quanh các bến sông, mặc dù nước lũ chảy mạnh nhưng nhiều người vẫn mang đồ đạc, vật dụng trong nhà ra chà rửa. Gia đình anh Nguyễn Thanh Điền hai hôm nay không ai có cơm trong bụng. Nước lên nhanh, hai bao thóc để dành đã trôi theo dòng nước, khiến bốn người trong gia đình anh chỉ biết vừa gồng mình trong lũ, hứng nước mưa uống cầm hơi. Anh Điền cho biết: “Đến trưa 5/11 mới nhận được một thùng mì ăn liền, nhưng cũng chẳng có nước ngọt để chế nên phải bẻ vụn từng miếng chia cho từng người ăn sống… Cái đói làm cho vợ tôi không còn sức để dọn dẹp nhà cửa”.
Đi sâu vào khu phố Ngân Sơn mới thấy hết nỗi đau. Nhiều nhà sập chỉ còn lại nền móng. Anh Ngô Văn Ra (47 tuổi) cho biết: “Sống được là mừng rồi, đến giờ chúng tôi chỉ còn quần đùi và áo thun trong người”.
Đau lòng nhất là gia đình chị Nguyễn Thị Nhung. Anh Nguyễn Đình Mỹ - chồng chị Nhung, sau hơn 12 giờ chống chọi với thủy thần, đến 11g ngày 3/11 đã chết cóng trên mái nhà để lại người vợ và hai đứa con gái. Chị Nhung đau đớn kể lại: “Sau khi anh Mỹ chết, vì sợ nước cuốn trôi nên tôi dùng dây buộc anh trên mái nhà, tôi và đứa con gái nhỏ (con gái lớn đã đi làm thuê ở xa) theo ca nô cứu hộ đến vùng an toàn. Sáng nay (5/11), tôi mới về và đưa xác anh xuống”.
Cũng tại khu phố Ngân Sơn, một thanh niên cho biết, bà Phạm Thị Thừa chết từ trưa hôm 3/11, người nhà đã cột xác bà vào cửa sổ, khi về lại nhà thì xác bà Thừa đã trôi mất.
Tại các xã An Thạch, An Ninh của huyện Tuy An người dân đã ăn được bữa cơm đầu tiên sau lũ nhờ người dân ở các khu vực khô ráo tình nguyện nấu cơm đem đến cho ăn để vượt qua cơn khốn khó. Chị Nguyễn Thị Điệp (43 tuổi) cho biết: “Mỗi người đã nhận được 7 gói mì, một bộ quần áo mới, và quý giá nhất là 3 hộp cơm từ hôm qua đến nay”. Các phần cơm được nhận ở đây bằng tình người trong cơn hoạn nạn. Hộp cơm đơn giản nhưng ai cũng ăn rất ngon lành.
Một học sinh ở huyện Tuy An phơi vở sách bị ướt - Ảnh: T.TRỰC |
Hầu hết những học sinh ở vùng lũ của huyện Tuy An đều bị nước lũ cuốn trôi hết sách vở. Đến ngày 5/11 trời bắt đầu hảnh nắng, các em học sinh ở khu phố Ngân Sơn đem những quyển sách vở bị úng nước ra phơi. Em Trần Nguyễn Hạnh Ngân, lớp 7 Trường THCS Võ Trứ khóc vì lo ngày mai không có sách vở đến trường. Em Đỗ Nhật Huy, lớp 5 Trường Tiểu học thị trấn Chí Thạnh đang đi dọc bờ tre gần nhà lượm lại những cuốn sách dưới vũng nước đem về. Em nói: “Cháu lượm về cho mẹ phơi, nếu không còn học được thì cháu bán giấy vụn”. Mẹ em Huy bùi ngùi: Tôi bị bệnh tim, 2 vợ chồng còn ở nhờ nhà bà ngoại vì chưa có tiền cất nhà, 2 đứa con đi học nhưng sách vở đã trôi mất không biết tiền đâu để mua lại cho các con học”.
Cùng chung số phận, nhiều hộ dân ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) suốt từ hai ngày qua tập trung tại trường mẫu giáo thôn chờ được phát thực phẩm. Hiện toàn bộ giếng nước ở thôn Tân Hòa bị bồi lấp, nhiều gia đình phải dùng đến những chai nước cứu trợ cuối cùng. Ông Trần Quang Tùng, một hộ trong thôn, cho biết: “Lũ ác quá, nhiều nhà ở đây không còn một đồng để mua nước uống cầm cự qua ngày”. Cái đói, cái khát đang lơ lửng trên đầu, bởi ruộng vườn nhiều nơi vẫn còn ngập trong nước. Ruộng nào nước rút thì bị bùn, cát bồi lấp hoàn toàn không thể tiến hành gieo sạ vụ đông xuân trong thời gian đến.
Ông Võ Đồng Quang, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam, cho biết: “Biết lũ sẽ về, chúng tôi đã dự trữ 1.200 gói mì ăn liền và mấy lu nước sạch, cứ tưởng lũ sẽ nhỏ như mọi năm. Ai dè năm nay kinh hoàng quá. Trong khi nguồn dự trữ vừa hết, may thay nhận được 650 thùng mì và 60 thùng nước đóng chai để phát cho dân. Tuy nhiên số thực phẩm này như muối bỏ biển vì chắc chắn trong vòng một tháng tới, người dân trong xã cũng không có gì để ăn”.
TẤN TRỰC – XUÂN HUY