Cứu một mạng người còn hơn xây toà tháp bảy tầng. Chỉ cần một đơn vị máu của mình mà giúp cho người bệnh thoát khỏi lưỡi hái của tử thần thì tại sao lại không giúp? Đó là ân tình giữa con người với con người trong cuộc sống... Những người mà tôi gặp trong phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) đã giành lại sự sống cho những người không quen biết bằng máu của mình suy nghĩ như vậy.
Ngày càng có nhiều thanh niên tình nguyện tham gia hiến máu – Ảnh: N.Dung
1. Nếu không có lời giới thiệu của anh Đinh Gia Tuấn, cán bộ đoàn Trường Cao đẳng Xây dựng (CĐXD) số 3, tôi không nghĩ Nguyễn Văn Phúc, sinh viên năm thứ nhất Khoa Cấp nước lại là người tham gia HMTN. 48 kg, nhưng trông Phúc khá gầy. Phúc cười: “Bề ngoài trông như vậy chứ thực ra em khỏe lắm. Em đã hai lần cho máu rồi, có bị làm sao đâu”. Phúc thuộc nhóm máu AB, nhóm máu không bao giờ bệnh viện lấy trong những đợt HMTN. Cả hai lần Phúc đều lên Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh, tiếp máu trực tiếp cho bệnh nhân đang cần máu để phẫu thuật. Mặc dù lần thứ nhất và lần thứ hai cách nhau chưa tới ba tháng (khoảng thời gian đảm bảo sức khỏe của người cho máu, theo quy định) nhưng Phúc vẫn tình nguyện hiến máu. Phúc nói: ”Em nghĩ cứu người là quan trọng, còn việc mình không khoẻ một chút cũng không sao. Cuộc sống có lúc này lúc khác, ai chẳng có lúc gặp chuyện không may và cần được giúp đỡ”. Phúc kể, thấy em gầy mà còn đi hiến máu, vậy là mấy bạn trai to khoẻ trong lớp cũng đi.
Đây là năm đầu tiên cậu sinh viên quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh này xa nhà. Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, sáng Phúc lên giảng đường, đến chiều tối lại đi phụ việc ở quán cơm gần trường để ngày có hai bữa cơm ăn, tiết kiệm một khoản tiền hàng tháng ba mẹ ở quê gửi vô. Phúc bảo: Điều mà em buồn là lúc ba bị tai nạn em không có ở quê để tiếp máu cho ba. Nhưng hồi đấy cũng có người nào đó tình nguyện hiến máu cho ba em, cũng như em đã cho máu để cứu giúp một người không quen biết.
2. Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên năm thứ hai Khoa Xây dựng cũng của Trường CĐXD số 3 kể về nguyên nhân đưa cô đến với phong trào HMTN: “Hồi đó, bạn thân của anh trai em bị tai nạn giao thông, tình trạng rất nguy cấp, phải mổ trong khi cơ thể lại mất rất nhiều máu. Nếu ngày đó không được một người không quen biết cho máu, chắc người bạn của anh trai em đã không thoát khỏi nguy hiểm”. Khi đó, Hạnh chừng 16-17 tuổi, bắt đầu ý thức việc hiến máu cứu người quan trọng như thế nào. Nhưng thời gian đó, phong trào này chưa lan toả đến các trường phổ thông trung học trong tỉnh nên mãi đến khi trở thành sinh viên của Trường CĐXD số 3, Hạnh mới tham gia hiến máu. Hạnh nói: “Lần đầu hiến máu, em nhắm nghiền hai mắt, còn tay thì run bần bật vì vốn dĩ em rất sợ tiêm thuốc. Nhưng nghĩ đến việc mình chịu đau một chút mà lại giúp cho ai đó thoát khỏi cái chết nên em bớt run”. Sau lần hiến máu đó, sức khoẻ chưa kịp phục hồi, Hạnh lại tiếp tục tham gia chiến dịch hè tình nguyện của trường nên một tháng sau bị đau nặng phải vào bệnh viện nằm cả tháng trời. Hạnh nói: “Đó là do lần đầu em chưa biết cách chăm sóc sức khoẻ bản thân. Đến lần thứ hai thì em đã có kinh nghiệm”. “Hạnh đi hiến máu ở nhà mẹ biết không?”, Hạnh lắc đầu: “Em giấu cả nhà. Mãi đến khi phát hiện ra bằng khen HMTN em đem về mẹ mới biết và la vì sợ em mất sức. Sau khi nghe em giải thích hiến máu không ảnh hưởng đến sức khoẻ, mẹ mới yên tâm. Hơn nữa, đây còn là việc làm nhân đạo, thể hiện nghĩa cử cao đẹp giữa người với người trong cuộc sống. Những người còn trẻ như em lại càng phải tham gia.
3. Chân thành và cởi mở, đó là ấn tượng ban đầu của tôi khi tiếp xúc với anh Huỳnh Đức Thế ở Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên. Hầu như lần nào đi lấy thông tin về HMTN trên địa bàn thành phố, tôi đều gặp anh. Huỳnh Đức Thế là một trong những gương mặt tiên phong trong phong trào HMTN của tỉnh. Những năm 1995-1996, vận động được người dân thị xã Tuy Hoà (bây giờ là TP Tuy Hoà) hiến máu nhân đạo quả thật khó khăn. Vì ngày ấy, người ta nhận thức việc hiến máu còn rất mơ hồ, sợ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Năm 1996, lần đầu tiên Phú Yên tổ chức HMTN, toàn tỉnh chỉ lấy được 12 đơn vị máu của 12 người tham gia, anh Thế là một trong số đó. Anh kể: “Lần đầu tiên, dù hồi hộp, lo lắng nhưng nghĩ đến tình cảm và trách nhiệm với cộng đồng nên tôi xìa tay cho máu. Còn những lần sau này tôi thấy rất bình thường vì hiểu việc cho máu không hề gây hại đến sức khoẻ. Hơn nữa cho máu còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên tôi vận động anh em trong khu phố 3, phường Phú Lâm tham gia”. 45 tuổi, 28 lần cho máu, Huỳnh Đức Thế là thành viên nhiều tuổi nhất trong 10 thành viên của Ngân hàng máu sống TP Tuy Hoà. Với anh, HMTN còn là tình cảm, trách nhiệm của mình với cộng đồng.
THUỶ VĂN