Theo thông tin mà cơ quan điều tra xác định ban đầu, chỉ riêng số tiền Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá đã lên đến 2,6 triệu USD (Tuổi Trẻ ngày
Trước hết, phải khẳng định rằng, với cương vị là Tổng giám đốc PMU 18 thì theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức và theo Luật Doanh nghiệp, Bùi Tiến Dũng không thể nào thành lập và quản lý công ty riêng. Bùi Tiến Dũng cũng không đi làm công ăn lương ở cơ quan, công ty khác; không kiếm thu nhập từ những khoảng hành nghề độc lập như làm luật sư, kiến trúc sư hay bác sĩ... Lương hàng tháng của Bùi Tiến Dũng chỉ vài triệu đồng... Như vậy, 2,6 triệu USD đó không thể nào là không phải số tiền thất thoát từ ngân sách Nhà nước mà ra.
Chúng ta có thể làm một phép tính đơn giản như sau:
Theo tỷ giá chuyển khoản của Ngân hàng Ngoại thương áp dụng cho ngày 23-5- 2006, 1 USD tương đương với 15.973 VND. Như vậy, số tiền mà Bùi Tiến Dũng dùng để cá độ bóng đá tương đương với 41.529.800.000 VND.
Bây giờ, nếu áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với cả những người có thu nhập 1 triệu VND và với mức thuế suất là 5% trên tổng số tiền 1 triệu VND đó, ta thấy rằng, số tiền chỉ riêng Bùi Tiến Dũng cá độ bóng đá trên tương đương với số tiền thuế mà 830.596 người có mức thu nhập hàng tháng 1 triệu đồng phải đóng thuế thu nhập trong một tháng!
Vậy thử hỏi:
- Nếu bây giờ phải bắt 830.596 người có thu nhập 1 triệu VND/tháng, số tiền mà khó có thể đủ để họ tái sinh sức lao động cho mình và cho gia đình, phải đi kê khai, nộp thuế, cũng như bộ máy phải phình ra thêm để tiến hành việc thu thuế đối với 830.596 người đó; (1)
- Với một việc là Quốc hội, Chính phủ phải có biện pháp để giữ tiền và dùng tiền đó có lợi cho dân, phải có biện pháp làm sao để số tiền tương đương với 830.596 người đóng thuế trong một tháng không bị rơi vào túi của một quan chức để quan chức đó đi cá độ bóng đá (2),
Trong 2 giải pháp đó, giải pháp nào dễ thực hiện hơn?
Nếu câu trả lời là giải pháp (2) dễ thực hiện hơn, thì trên thực tế Nhà nước đã không thực hiện được giải pháp (2) vì điều đó đã xảy ra. Trong trường hợp này, điều nhất thiết là Nhà nước phải làm sao để người dân thật sự tin tưởng là trong tương lai, điều này sẽ không lặp lại nữa để người dân cảm thấy số tiền thuế được trích từ số tiền ít ỏi của mình ra là thích đáng. Khi điều này thực hiện được thì hãy nói đến chuyện “hễ có thu nhập thì sẽ phải đóng thuế” hay tận thu.
Ngược lại, nếu câu trả lời là giải pháp (1) dễ thực hiện hơn giải pháp (2), thì rõ ràng rằng, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở bài toán thu chi, ở tính khả thi của luật... mà nó còn có thể sẽ hình thành một hiện tượng bức xúc, bất mãn trong xã hội.
ThS. LÊ MINH PHIẾU