Sôi nổi, thẳng thắn, chân tình là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tham dự buổi trao đổi, thảo luận về các nội dung được học trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng (KTQP) của các già làng huyện Sơn Hòa.
Mặc dù tuổi cao, sức yếu, cái chữ không nhiều, ghi chép khó khăn nhưng các già làng hiểu rất sâu sắc và giải thích bằng những sự việc cụ thể các nội dung “Chiến tranh nhân dân”, “Truyền thống đoàn kết đánh giặc giữ nước”… Già làng Ma Lép ở thôn Tân Hội (xã Sơn Hội) nói: “Nhờ có Đảng, Bác Hồ, mình có được ngày hôm nay. Ta phải đoàn kết, nghe theo lời Đảng, cái tai không nghe lời kẻ xấu, cùng nhau giữ bình yên trong buôn làng, bà con ai cũng được cơm no, áo ấm, được múa hát, đánh cồng chiêng…”.
Từ hàng ghế phía sau, Mí Tiển (Hờ Trinh) ở thôn Suối Cau, xã Sơn Hà, nữ già làng duy nhất của lớp học đòi lên bằng được phía trước để phát biểu: “Giặc Pháp, giặc Mỹ nó không cho mình biết cái chữ mà chỉ đệm cho mình cái khổ, cái nhục của chiến tranh, của mất nước. Bây giờ hòa bình, Đảng cho mình cái trường, cái điện, cái lúa nước, mình phải dạy dỗ con cháu mình làm theo Bác Hồ dạy…”. 13 ý kiến thể hiện tình cảm trách nhiệm của các già làng đối với buôn làng, với Đảng với đất nước đã được bày tỏ rất thẳng thắn, mộc mạc.
Theo đại tá Nguyễn Văn Thiện, Chính ủy Bộ (CHQS) tỉnh Phú Yên: Việc tổ chức bồi dưỡng KTQP cho các già làng chưa được quy định cụ thể trong chương trình giáo dục quốc phòng và chưa có mô hình sẵn để rút kinh nghiệm. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương và vị trí của các già làng ở các thôn, buôn, đầu năm 2006, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc miền núi tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Hội đồng giáo dục quốc phòng huyện Sơn Hòa tổ chức điểm, sau đó rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai bồi dưỡng KTQP cho các già làng ở hai huyện miền núi còn lại.
Tại Sơn Hòa, Hội đồng giáo dục quốc phòng huyện đã chỉ đạo các cơ qua Quân sự, Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Ban Dân tộc miền núi phối hợp mở lớp. Mọi công việc từ đưa đón các già làng, bảo đảm các chế độ, nơi ăn ở, phân công người giảng đều được chuẩn bị chu đáo. Trong 3 ngày, các già làng được tiếp thu các nội dung: Truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của các dân tộc Việt Nam; Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và công tác vận động quần chúng thực hiện chính sách dân tộc của Đảng. Các nội dung, bài giảng được giáo viên trình bày cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, sát thực tế cuộc sống, phù hợp với nhận thức của các già làng.
Chia tay lớp, 50 già làng trở về với bà con buôn làng. Các già làng đều xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc vận động bà con làm theo lời của Đảng của Bác Hồ, để buôn làng mãi bình yên. Đây là điều có ý nghĩa nhất của lớp bồi dưỡng KTQP cho già làng đầu tiên của tỉnh.
CHÍ ĐỨC