Thực tế công tác quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc tại Phú Yên đang nảy sinh nhiều bất cập, đây thực sự là hiểm họa nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ.
CHỐNG DỊCH GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN
Theo Sở nông nghiệp phát triển nông thôn Phú Yên, tình hình dịch lở mồm long móng đang còn diễn biến phức tạp. Cơ quan này đã có văn bản về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cho đàn gia súc. Mục tiêu đưa ra là đến ngày 15-5 phải khống chế hoàn toàn các ổ dịch trên toàn tỉnh, không để lây lan sang đàn mới và đến hết tháng 5 phải cơ bản thanh toán bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh.
Thế nhưng trên thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện có quá nhiều bất cập. Chẳng hạn, tại xã Hoà Thắng, huyện Phú Hòa- một trong những địa phương có 80% hộ dân nuôi với tổng đàn trên 12.000 con, hiện đã có hơn 50% số heo bị nhiễm bệnh. Trong ngày 9-5, chúng tôi có dịp tìm hiểu tình hình dịch bệnh trên đàn heo tại thôn Đông Lộc, xã Hoà Thắng thì được biết cả thôn chỉ còn heo của hai hộ chưa bị bệnh. Trước tình hình này, ngày 8-5, UBND huyện Phú Hoà- địa phương đầu tiên ở Phú Yên ban hành kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc. Theo đó, tất cả heo nuôi từ 2 tuần tuổi trở lên đều phải tiêm phòng và phải đạt ít nhất 80% tổng đàn trở lên. Tuy nhiên, người dân phải tự bỏ tiền ra mua vacxin với giá 17.000 đồng một liều. Theo những cán bộ thú y xã việc này rất khó thực hiện được. Lý do là ý thức về việc tiêm phòng gia súc của người dân chưa cao. Mặt khác lâu nay việc tiêm phòng bệnh lở mồm long móng hầu hết được bao cấp theo chương trình phòng chống lở mồm long móng trên đàn gia súc của quốc gia, người dân chỉ trả tiền công nhưng không năm nào tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt bình quân trên 80% theo qui định, thậm chí có nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt trên dưới 40%. Vậy liệu kế hoạch này có khả thi?
Từ đầu năm đến nay, Phú Yên có 6.000 con bò, heo bị bệnh lở mồm long móng, tập trung nhiều nhất tại hai huyện Phú Hòa và Đồng Xuân. Riêng tại huyện Phú Hòa đang có bốn ổ dịch tại các xã Hoà Trị, Hoà An và Hoà Thắng với hơn 350 con heo bị mắc bệnh ở hai tuýp A và tuýp O và đã có gần 100 con heo và 413 con bò, bê bị chết.
Theo ý kiến của các cán bộ thú y xã Hoà Trị, Hoà Quang Bắc và Hoà An, huyện Phú Hoà- những địa phương hiện đang có ổ dịch, việc này rất khó thực hiện nếu không có sự phối hợp trong tuyên truyền nâng cao ý thức bà con, có các chế tài đi kèm. Ông Nguyễn Văn Toàn, cán bộ thú y xã Hoà Quang Bắc nói rằng đã đến lúc cần thực hiện giải pháp mạnh như việc hộ nào không tiêm phòng sẽ không cho bán thịt gia súc thì may ra mới triển khai tốt việc quản lý dịch bệnh và việc tiêm phòng mới đạt hiệu quả như mong muốn.
HEO BỆNH VẪN BỊ BUÔN BÁN
Mối nguy hại lớn nhất hiện nay là việc kiểm soát giết mổ vận chuyển, buôn bán gia súc đang rất phức tạp, thực tế hoàn toàn trái ngược với tinh thần chỉ đạo của các ngành chức năng. Hiện nay, có không ít heo bệnh hoặc được bà con bán đổ bán tháo cho các thợ thịt. “Nhất vào lò- nhì ra gò” là câu cửa miệng nhiều người khi nói về nạn heo bệnh hiện nay. Trang trại của bà Nguyễn Thị Lan có đàn heo bị bệnh sớm nhất với số lượng mắc nhiều nhất gần 60 con, thiệt hại không dưới 30 triệu đồng. Trong thời điểm dịch phát sinh, không thể cứu vãn đàn heo thịt, bà đã bán 10 con heo trên dưới 30 kg với giá chỉ 90.000 đồng một con cho thợ thịt ở TP Tuy Hoà. Bà Lan còn cho biết nhiều hộ khác có heo bị bệnh cũng bán đổ bán tháo heo thịt đi sau khi bị bệnh.
36 tỉnh, thành phát hiện có gia súc bị bệnh lở mồm long móng Bộ Y tế đã có công điện gửi các viện vệ sinh dịch tễ, sở y tế các tỉnh, thành phố có dịch đề nghị phối hợp với cơ quan thú y tăng cường giám sát tình hình dịch trên gia súc, phát hiện sớm ca mắc bệnh đầu tiên trên người, xử lý triệt để ổ dịch và tuyên truyền rộng rãi về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống... Theo số liệu mới nhất của Cục Thú y, dịch lở mồm long móng trên gia súc đang lan rất nhanh và số địa phương xuất hiện dịch bệnh hiện lên tới 433 xã của 154 huyện- thuộc 36 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số gia súc bị mắc bệnh hiện là 26.000 con trâu bò và 10.500 con lợn. LẠC
Vậy số heo bị bệnh này đi đâu, về đâu? Thực tế cho thấy, tại cửa ngõ TP Tuy Hoà, nhất là trên các tuyến đường từ Tản Đà đến Phan Đình Phùng, Chu Mạnh Trinh và tuyến đường từ đầu cầu Sông Chùa chạy dọc theo chân Núi Nhạn đến Chùa Ông, hằng ngày người dân chứng kiến cảnh tượng các lái buôn hoặc các phương tiện ba gác chở công khai heo bò chết vào trung tâm thành phố. Một người chuyên làm nghề mổ heo bò tại lò mổ phường 3 xin được dấu tên xác nhận, thỉnh thoảng tại lò mổ phường 3 vẫn có heo bệnh, bà con ai cũng biết nhưng vẫn tiêu thụ và giết thịt bình thường.
Trong khi đó, hầu hết các lò mổ tư nhân đều không được kiểm soát việc giết mổ do không đủ lực lượng thú y. Do vậy không loại trừ được tình trạng thịt heo bò bệnh được trà trộn đem ra bán trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Lệ Tâm, kiểm dịch viên của TP Tuy Hoà cho biết hiện thành phố có không dưới 10 lò mổ tư nhân. Bà Tâm thừa nhận số gia súc giết mổ tại các lò mổ tư nhân không thể kiểm soát hết được.
Ngoài ra, tình hình vận chuyển, mua bán gia súc không rõ nguồn gốc cũng đang là nỗi lo lớn. Tình trạng này xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất là các huyện Đông Hoà, Tây Hoà và Phú Hoà. Trong khi đó ngành chức năng không có cơ sở để xử phạt. Bà Phan Thị Thanh Hà, trưởng trạm thú y huyện Đông Hoà cho biết hầu hết các xe bò về địa phương đều có giấy chứng nhận kiểm dịch nên không thể xử lý họ theo pháp lệnh thú y. Tuy nhiên thực tế nhiều con bò đã hết thời gian miễn dịch hoặc đã bị nhiễmbệnh trước đó và lây lan sang đàn bò địa phương.
YÊN HÀ