Lần đầu tiên trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được đưa vào dự thảo luật. Và nếu không có gì bổ sung thêm thì những quy định liên quan đến vấn đề này (một chương trong Luật Bảo hiểm xã hội) sẽ được Quốc hội thông qua trong năm nay.
Một cố gắng lớn Trong các buổi hội thảo cũng như đóng góp ý kiến cho dự án Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) chuẩn bị trình Quốc hội, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chương IV- "Bảo hiểm thất nghiệp". Dù vậy, đại đa số cho rằng cần thiết phải có điều luật này.
Lĩnh tiền bảo hiểm xã hội Kết quả điều tra gần nhất của Bộ LĐ-TB-XH cho biết, tỷ lệ lao động thất nghiệp cả nước hiện nay chiếm gần 5,6% trên tổng số lao động. Chỉ riêng khu vực thành thị, số người thất nghiệp thường xuyên là hơn 567.000 người. Tại TP.HCM, theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH, số người thất nghiệp thường xuyên xấp xỉ 200.000 người, trong đó khoảng 25.000 người bị mất việc làm dẫn đến thất nghiệp, là đối tượng sẽ được hưởng chính sách TCTN tới đây, nếu Luật BHXH được Quốc hội thông qua. Ai được hưởng TCTN ? Dự thảo Luật BHXH quy định: Đối tượng được hưởng TCTN chỉ áp dụng đối với "người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng hoặc lao động hợp đồng, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn". Nói nôm na, TCTN chỉ áp dụng cho những người đang làm việc theo chế độ hợp đồng có đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng, nhưng bị mất việc làm và chưa tìm được việc làm mới (không phải do bị kỷ luật). Luật chưa áp dụng cho những người thất nghiệp do đến tuổi lao động chưa tìm được việc làm. Thời gian được hưởng TCTN tối đa không quá 6 tháng, mức hưởng trợ cấp mỗi tháng bằng 55% tiền công, tiền lương được hưởng của tháng liền kề trước khi bị thất nghiệp. Có nhiều ý kiến cho rằng mức hưởng, thời gian được hưởng, đối tượng được hưởng như dự thảo luật này là còn quá khiêm tốn so với các nước phát triển khác. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM - ông Lê Thành Tâm, bấy nhiêu đó cũng là "một nỗ lực lớn của Nhà nước ta trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay". Cũng đồng quan điểm như vậy, ông Cao Văn Sang - Phó giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng: "Đất nước mình còn nhiều người nghèo, Nhà nước còn phải chăm lo cho họ thì mức chăm lo cho người thất nghiệp như vậy là chấp nhận được". Sẽ "phình" thêm 8.000 nhân viên hành chính? Có nhiều ý kiến lo ngại rằng Luật quy định về điều kiện đối với người được hưởng TCTN, chẳng hạn như phải "đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm thất nghiệp", hoặc phải là "không có nguồn thu nhập nào khác", hoặc không được "từ chối công việc mới do tổ chức bảo hiểm thất nghiệp giới thiệu"... là nhiêu khê và chưa hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang, điều đáng lo ngại nhất chính là bộ máy nhân sự sẽ phình ra để điều hành công việc này. Hiện nay, bộ máy hành chính của BHXH cả nước vào khoảng... 18.000 người. Theo tiết lộ của một người có trách nhiệm trong ngành này thì tiền lương của 18.000 CB-CNV ngành BHXH hiện đang "ăn" vào nguồn thu của BHXH. Có nghĩa là chính người lao động, các doanh nghiệp và đơn vị có tham gia đóng BHXH đang "bao cấp" tiền lương cho 18.000 CB-CNV của BHXH chứ không phải ngân sách của Nhà nước. Giả sử, nếu việc thu chi TCTN không do mạng lưới BHXH đảm trách thì cả nước sẽ cần ít nhất thêm 8.000 người cho bộ máy "bảo hiểm thất nghiệp". Và bộ máy nhân sự không nhỏ này cũng phải "ăn" vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp và người lao động đóng... Theo TNO
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Võ Trung Tâm - Chánh văn phòng Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, trong những năm qua TP.HCM đã cố gắng đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động, mặc dù vậy số người bị mất việc làm, chưa có việc làm vẫn không ngừng gia tăng. "Thất nghiệp là hiện tượng kinh tế - xã hội tất yếu của thị trường lao động. Do đó, việc ban hành chính sách quốc gia về bảo hiểm thất nghiệp mang tính chất xã hội, do người sử dụng lao động, người lao động, Nhà nước cùng tham gia là một đòi hỏi khách quan và rất cần thiết... Không có chính sách này sẽ là một thiệt thòi lớn đối với người lao động thất nghiệp trong nỗ lực tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống cá nhân và gia đình", ông Tâm nói.