Dịch sốt xuất huyết ở huyện Đồng Xuân tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngành Y tế, chính quyền các địa phương đang huy động tổng lực để chống dịch.
Dập dịch ở “điểm nóng” La Hai
Hôm qua (26/9), thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) đã đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy- mầm mống gây bùng phát dịch sốt xuất huyết tại địa phương này.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang quá tải ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân - Ảnh: T.THẢO |
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đồng Xuân Đỗ Quang Trung: “Để xảy ra dịch lớn, một phần do chúng tôi chưa giám sát chặt chẽ các ca mắc đầu tiên, người dân chưa thực sự vào cuộc. Hiện Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân thành lập đội cấp cứu cơ động, đưa bác sĩ về thị trấn La Hai và các xã có nhiều ca mắc để điều trị tại chỗ, giảm quá tải cho tuyến trên. Cán bộ y tế thường trực tại các ổ dịch lớn để theo dõi báo cáo kịp thời”.
Bà Mạnh Thị Liên, Trưởng trạm y tế thị trấn La Hai, cho biết: “Trong đợt này chúng tôi trực tiếp đến từng nhà của 2.385 gia đình phát tờ rơi, đổ bọ gậy, diệt lăng quăng... không để cho dịch lây lan, bùng phát lớn. Các khu phố trưởng, cộng tác viên được phân công phụ trách cụ thể từng địa bàn”.
Tại thôn Long Thăng, thị trấn La Hai, nhiều gia đình đang hối hả đổ nước từ các chum, vại, các bình hoa trên bàn thờ ra ngoài. Đồng thời, lấp các vũng nước đọng xung quanh nhà. Khi vào nhà anh Cao Thành Nhân, ở ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, nhiều người giật mình khi nhìn thấy có đến 12 hố nước đọng rất sâu với lăng quăng, bọ gậy dày đặc. Anh Nhân bức xúc: “Những hầm này rất nguy hiểm. Mỗi khi mưa lớn nước đọng lại càng nguy hiểm, đặc biệt đang trong mùa dịch sốt xuất huyết nên gia đình tôi cứ nơm nớp lo âu. Hằng ngày, vợ chồng tôi phải liên tục sử dụng hóa chất và thuốc diệt muỗi quanh nhà, tối đến mắc mùng rất kỹ. Nếu dịch kéo dài, cả nhà chắc phải nhập viện mất thôi!”. Bà Võ Thị Trí, y tế thôn Long Thăng, cho biết đây là hố nền nhà của Công ty Hoàng Hoa đào lên nhưng chưa triển khai xây dựng. Mưa lớn nhiều ngày, nước không có đường thoát, nên bọ gậy càng phát triển. Chưa giải quyết được điểm nóng này thì chưa thể dập dịch được”.
Tại thôn Long Châu, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp. Cả tuần nay, anh Đỗ Văn Út, ở thôn Long Châu, có con nhập viện vì bị sốt xuất huyết. Nhà anh Út bán quán gây nước đọng nhưng không xử lý tốt tạo môi trường cho bọ gậy phát triển. Trong khi đó, nhà anh Nguyễn Trung Khanh, ở cùng thôn, làm hệ thống vệ sinh ngay trước nhà. Nước thải ra đường cống gây tù đọng, muỗi phát triển, những người xung quanh góp ý nhưng anh Khanh chưa khắc phục.
Bà Trần Thị Lệ Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn La Hai, cho biết: “Nhiều người dân còn chủ quan, chưa hiểu các quy trình diệt muỗi. Trong khi đó, lần đầu cán bộ y tế ứng phó với dịch nên chưa có kinh nghiệm. Do đó, chúng tôi phải huy động toàn bộ lực lượng, tuyên truyền, vận đôïng, hướng dẫn nhân dân diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi. Sau bảy ngày, cán bộ y tế sẽ tiếp tục kiểm tra mức độ phát triển của muỗi để hướng dẫn tiếp theo. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang khoanh vùng những “điểm nóng”, giám sát liên tục, ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng”.
Đến chiều qua, trên địa bàn huyện Đồng Xuân đã có 330 ca sốt xuất huyết, riêng thị trấn La Hai có hơn 140 ca. Từ hôm nay (27/9), lực lượng học sinh, giáo viên các trường học trên địa bàn thị trấn La Hai được huy động cùng lực lượng y tế tham gia làm sạch môi trường tại các khu dân cư, dập dịch sốt xuất huyết.
THÙY THẢO
GIÁM ĐÔC SỞ Y TẾ PHÚ YÊN TRẦN VĂN TÝ: Chống dịch cần sự tham gia của cả cộng đồng
Trở về sau chuyến đi chỉ đạo việc dập dịch sốt xuất huyết tại huyện Đồng Xuân, trao đổi với Báo Phú Yên, bác sĩ Trần Văn Tý, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, nói: “Chưa có cơ sở để tiên lượng dịch sốt xuất huyết ở Đồng Xuân giảm”.
* Theo bác sĩ, công tác dập dịch sốt xuất huyết ở Đồng Xuân đang gặp những khó khăn gì?
- Dù huyện Đồng Xuân đã có văn bản chỉ đạo nhưng đến nay chỉ có vài xã họp ban chỉ đạo, triển khai việc huy động các đoàn thể, toàn thể nhân dân tham gia phòng chống dịch. Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Đồng Xuân đã có văn bản chỉ đạo các trường cấp 2, 3 tham gia tổng vệ sinh dập dịch nhưng xem ra sự chỉ đạo vẫn còn trên giấy. Lẽ ra, Phòng Y tế huyện Đồng Xuân tham mưu cho UBND huyện một cách sát sao và là cầu nối giữa ngành Y tế với UBND huyện nhưng sự thể hiện này còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, cách xử lý dịch của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đồng Xuân chưa đúng quy trình. Phun thuốc mà không triển khai diệt bọ gậy thì chỉ chết muỗi trưởng thành lúc đó. Ba ngày sau, số bọ gậy tiếp tục phát triển thành muỗi và hoành hành lây bệnh trong cộng đồng. Lực lượng này có làm nhưng chưa chặt, thiếu kinh nghiệm. Dự phòng lo phun thuốc chứ chưa hướng dẫn điều trị, chưa giáo dục ý thức phòng bệnh bằng tuyên truyền. Bên cạnh đó, con số báo cáo giữa Bệnh viện Đa khoa huyện và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đồng Xuân còn chéo nhau, cho thấy sự giám sát ca bệnh chưa tích cực. Việc tổ chức thu dung điều trị tại xã để khi nặng mới chuyển lên tuyến trên chưa được thực hiện, cho thấy khả năng của các trạm y tế còn yếu, ít trách nhiệm.
Dãy hành lang chật cứng bệnh nhân sốt xuất huyết và người nhà tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Xuân (ảnh chụp lúc 9g ngày 26/9) - Ảnh: T.QUỚI
Trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế thực hiện quy trình kỹ thuật phòng chống dịch theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Song, quan trọng hơn cả vẫn là toàn dân diệt bọ gậy dưới sự chỉ đạo của UBND xã. Phải thành lập ban chỉ đạo chống dịch ở cấp xã để theo dõi diễn biến dịch. Chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Đồng Xuân tiếp tục có văn bản chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, trường học đẩy mạnh phòng chống, tuyên truyền rộng rãi tầm quan trọng của diệt bọ gậy trong phòng chống dịch sốt xuất huyết.
* Ngành y tế tỉnh Phú Yên sẽ hỗ trợ như thế nào trước tình hình dịch diễn biễn phức tạp ở Đồng Xuân?
- Chúng tôi đã cử ba cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên về Đồng Xuân để tham gia giám sát, điều tra côn trùng, huấn luyện tại cơ sở; tăng hóa chất diệt muỗi cho địa phương. Sau khi phun hóa chất bằng xe lớn trên các đường chính, xe nhỏ vào các ngõ nhỏ, hẻm tại thị trấn La Hai; có thể sẽ tiếp tục làm như vậy ở Xuân Sơn Nam khi cần thiết vì hiện nay nhiều ca bệnh mới xuất hiện ở các thôn Tân Vinh, Tân Phú của xã này. Tôi đã yêu cầu tất cả cán bộ y tế dự phòng huyện, cán bộ được tỉnh phân công, phải “nằm vùng” tại xã để chỉ đạo chống dịch sát sao. Từ 3-4 giờ chiều mỗi ngày, huyện phải báo cáo lên Sở Y tế tình hình diễn biến của dịch, số mắc mỗi ngày để có hướng chỉ đạo kịp thời. Sở Y tế Phú Yên đã làm văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chống dịch như mua thuốc men, hóa chất và hỗ trợ công tác điều tra.
Qua kiểm tra thực tế, tôi yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân thành lập một phòng cấp cứu và đội cấp cứu lưu động hỗ trợ tuyến xã khi cần thiết. Đồng thời, dàn rộng cơ sở để theo dõi điều trị cho người dân một cách tốt nhất, tránh nằm 2-3 người trong một giường. Sở Y tế cũng sẽ hỗ trợ tiền thuốc cho những bệnh nhân thuộc hộ cận nghèo.
*Xin cảm ơn ông!
THU THỦY (Thực hiện)
Sốt xuất huyết xuất hiện tại một số địa phương khác Trong khi dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp tại huyện Đồng Xuân thì các địa phương khác cũng đã xuất hiện nhiều ca bệnh. Y sĩ Lữ Thị Thanh Xuân, cán bộ phụ trách chương trình phòng chống sốt xuất huyết ở TP Tuy Hòa cho biết TP Tuy Hòa vừa phát hiện ba trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết đều là những người từ Đồng Xuân, Gia Lai đến. Gần hai tháng nay, trung bình mỗi tuần TP Tuy Hòa có 1-2 ca sốt xuất huyết. Trong khi đó, trong những ngày qua đã xuất hiện một ổ bệnh sốt xuất huyết nhỏ tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An. Bác sĩ Bùi Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuy An, cho biết vừa phát hiện tại thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An) hai ca bệnh, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết ở Tuy An lên 44 ca. Bác sĩ Phạm Tấn Lập, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, cũng cho biết: “Trong tháng 8, bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh ở huyện Phú Hòa với 19 ca mắc, trong đó chỉ riêng đội 9, thôn Mỹ Thành xã Hòa Thắng có 9 ca. VŨ HOÀNG |