Hai người cao tuổi mà tôi gặp đều thọ 100 tuổi. Tuy tuổi cao, nhưng các cụ vẫn rất minh mẫn. Các cụ là điểm tựa, là những cây cổ thụ, tỏa bóng cho con cháu.
Ở tuổi 100, cụ Bề vẫn khỏe mạnh vui vầy với con cháu - Ảnh: K.CHI |
Cụ Phan Bề ở thôn Nhiêu Hậu, xã Xuân Thọ 1 (huyện Sông Cầu) năm nay vừa tròn 100 tuổi, nhưng trông khá khỏe mạnh. Cụ tự đi lại không cần dìu dắt; trò chuyện với chúng tôi, cụ tự tay mời nước. Nói về bí quyết sống lâu, cụ Bề cho biết: Thời chúng tôi, nhà nào cũng sinh nhiều con và sống bằng nghề nông. “Có lẽ do tôi quanh năm lam lũ với việc đồng áng nên có được sức khỏe cường tráng. Thời chiến tranh, tôi tham gia cách mạng, bị địch bắt tra tấn dã man, nhưng nhờ có sức nên đã “lướt” qua, sống khỏe cho tới nay”- cụ Bề kể. Nhận quà tặng của Chủ tịch nước, của tỉnh nhân Ngày truyền thống Người cao tuổi, cụ Bề hứa với lãnh đạo tỉnh sẽ là chỗ dựa tình thần vững chắc cho con cháu noi theo.
Phú Yên hiện có gần 70.000 người cao tuổi. Trong đó, có 37 cụ năm nay tròn 100 tuổi và 132 cụ trên 100 tuổi; gồm 102 cụ bà và 67 cụ ông, 9 cụ là người dân tộc thiểu số. Người cao tuổi nhất tỉnh Phú Yên hiện nay là cụ Oi Nghĩa - 113 tuổi, hiện sống ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân; tiếp đến là cụ Lê Thị Chài (khu phố Ninh Tịnh, phường 9, TP Tuy Hòa) và cụ Nguyễn Tứ (thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, huyện Sông Cầu) - cả hai cụ năm nay đều tròn 109 tuổi. Địa phương có số cụ cao tuổi nhiều nhất là huyện Đông Hòa 32 cụ, đứng nhì là TP Tuy Hòa có 29 cụ, thứ ba là huyện Phú Hòa có 28 cụ…
So với cụ Bề, cụ Đinh Châu ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) năm nay cũng 100 tuổi nhưng sức khỏe yếu hơn. Hôm chúng tôi đến thăm, con, cháu, chắt của cụ tập trung đông đủ. Hai vợ chồng già rơm rớm nước mắt hạnh phúc vì đã cùng nhau sống đến “đầu bạc răng long”. Theo lời bà Lưu Thị Nhiễu, vợ cụ Châu, cả hai cụ đều tham gia cách mạng, căn nhà của các cụ trong chiến tranh là cơ sở nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực, chu toàn mọi việc để các chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ chiến đấu, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đến thời bình, hai ông bà lại trở về với công việc đồng áng, sống an nhàn vui thú điền viên. Cụ bà Lưu Thị Nhiễu nói: “Bây giờ tuổi tác cũng đã cao rồi, nên trái gió trở trời lại đau nhức, mỏi hai chân nên ít làm hơn”. Tôi ghé sát tai cụ Châu, hỏi bí quyết nào giúp cụ trường thọ. Cụ cho hay: “Mình sống hiền hậu, có tấm lòng chân thật, tu nhân tích đức sẽ giúp cho tinh thần phấn chấn. Vậy là có sức khỏe để sống lâu chứ có gì khó!”.
Theo lời con gái cụ Châu, bây giờ ngày nào cụ cũng uống sữa đậu nành, cụ khỏe, có thể tự lo cho sinh hoạt thường nhật và làm vài việc lặt vặt cho vui. Thỉnh thoảng cụ Châu còn tập trung mười mấy đứa cháu, chắt lại, kể chuyện những năm tháng cụ làm liên lạc, tham gia hoạt động cách mạng. Đó là những bài học lịch sử sinh động, vô cùng quý giá mà cụ răn dạy con cháu, sống trên đời sao cho phải có đạo đức, trong sạch và không bao giờ được quên nguồn cội. Cụ Châu nói vòng đời sinh, lão, bệnh, tử ai cũng trải qua, người cao tuổi chỉ mong cuộc sống gia đình thuận hòa, được trông thấy quê hương ngày càng phát triển. Đó là những niềm hạnh phúc lớn lao nhất.
KIM CHI