Tai nạn thương tích (TNTT) đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, cứ mỗi giờ qua đi, trung bình có 175 trẻ và người dưới 19 tuổi bị chấn thương; bình quân mỗi ngày có 3 trẻ em tử vong và bị tàn tật do TNTT. Ở Phú Yên, trong số các TNTT gây tử vong hoặc để lại thương tích cho trẻ em dưới 15 tuổi thì tai nạn giao thông (TNGT) chiếm đến 43%. Làm thế nào để phòng ngừa TNTT ở trẻ em là câu hỏi đang đặt ra cho các cấp, các ngành...
Một giếng nước không có nắp đậy ở xã An Mỹ, huyện Tuy An rất nguy hiểm đối với trẻ em - Ảnh: K.PHƯỢNG |
NHỮNG TAI NẠN THƯƠNG TÂM
Đã hơn một năm trôi qua, nhưng vụ TNGT xảy ra lúc 12g15 ngày
Cùng với TNGT, đuối nước cũng là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho trẻ em. Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 4 vừa qua, trên địa bàn TP Tuy Hòa đã có 3 trường hợp trẻ em bị chết đuối. Ngày 24/4, em Phạm Ngọc Hiệu (SN 1994, ở khu phố 4, phường Phú Đông) cùng 3 bạn học cùng lớp rủ nhau đi tắm biển tại bãi biển thuộc khu phố 4, phường Phú Thạnh và Hiệu bị nước cuốn trôi mất tích. Tiếp đó, vào chiều 28/4, em Nguyễn Thế Danh (học sinh lớp 6, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Sông Cầu) cùng 3 bạn rủ nhau đến đập Đá Vải (xã Xuân Lâm, huyện Sông Cầu) chơi, do sơ suất, em Danh đã bị rơi xuống đập chết đuối. Mới đây, vào lúc 15 giờ ngày 22/5, em Huỳnh Kim Côn (SN 1993, ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) cùng một số bạn rủ nhau đến tắm ở suối Ồ Ồ (thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc) và Côn đã bị nước cuốn trôi.
Có thể nói, TNGT, đuối nước, súc vật cắn, bỏng, điện giật… là những TNTT luôn rình rập trẻ khi các em bất cẩn. Chỉ một chút sơ ý, chủ quan là có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA TNTT Ở TRẺ EM?
TNTT ở trẻ em là mối quan tâm lo lắng của mọi gia đình và xã hội. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân sâu xa là do kiến thức về an toàn trong cuộc sống, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một số người chưa cao. Trong khi đó, việc tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường cho các em học sinh nắm được một số kiến thức để bảo vệ bản thân ở nhiều nơi còn chung chung, chưa cụ thể. Nhà trường và tổ chức Đoàn, Đội ở một số nơi chưa quan tâm, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là trong dịp nghỉ hè. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ. Đặc biệt, một số phụ huynh, vì quá lo làm ăn mà thiếu quan tâm đến con cái, đến khi ân hận thì đã muộn.
Vấn đề phòng chống TNTT cho trẻ em, tạo cho các em một môi trường sống an toàn, lành mạnh rất cần được các ngành, các cấp, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm. Theo bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phú Yên, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng; trong đó chú trọng tuyên truyền cho các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, đề phòng điện giật, đuối nước, phòng chống TNTT và hướng dẫn cách xử trí một số thương tích thông thường. Cha mẹ, anh chị em phải luôn quan tâm đến các hoạt động của con em mình, không nên để trẻ em đến nơi có ao, hồ, sông, suối một mình. Các cấp hội Phụ nữ thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống TNTT cho trẻ em, qua đó giúp hội viên có thêm kiến thức để bảo vệ an toàn cho con em mình.
Trẻ em là tương lai của đất nước; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Phòng chống TNTT cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Làm tốt công tác này là một trong những hành động thiết thực nhất để hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em.
HỒNG NHUNG