Tỉnh lại sau khi vượt cạn, người mẹ bàng hoàng khi thấy con gái bé bỏng mình vừa sinh ra quơ cánh tay bị cụt với mấy ngón chỉ bé như hạt đậu. Sợ hãi và đau lòng, người mẹ lặng lẽ bỏ con lại bệnh viện...
Hai cháu Khang và Bảo đang được nuôi tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên - Ảnh: T.THỦY
Có những người mẹ sau khi sinh, thấy con mình bị dị tật, đa dị tật đã âm thầm bỏ lại bệnh viện và trốn đi; có người trình bày hoàn cảnh, xin “gởi” con lại nhờ bệnh viện lo giúp vì không chịu nổi nỗi đau khi ngày ngày đối diện với đứa bé tật nguyền. Cũng có gia đình lấy cớ mang đứa trẻ tới bệnh viện khám bệnh, điều trị rồi bỏ lại, hoặc mang trẻ đặt bên ngoài cổng bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội. Những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy, có đứa còn được mẹ để lại tên tuổi, nhưng cũng có đứa không có một dòng lai lịch.
Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Yên đang nuôi 12 cháu bị cha mẹ bỏ rơi. Giám đốc Trần Văn Thống cho biết: “Trẻ bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại trung tâm thường có các dị tật về thần kinh hoặc đa dị tật… Nhưng vẫn có những cháu bé xinh xắn, lành lặn vẫn bị mẹ vứt bỏ”.
Hai bé Nguyễn Gia Khang, Nguyễn Gia Bảo được Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nuôi trong lồng kính khi mới sinh. Không biết vì lý do gì mà mẹ của cặp song sinh này trốn biệt. Gần 5 tháng qua, hai bé được chuyển về nuôi tại trung tâm. Khang và Bảo rất giống nhau. Hai bé ăn ngủ ngon và rất kháu khỉnh. Ai đến thăm đều thích và cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến tương lai của chúng. Ông Thống nói: “Hướng của trung tâm là nếu ai xin các cháu về làm con nuôi, chúng tôi sẽ đề nghị họ nuôi cả hai cháu, để sau này lớn lên chúng có anh, có em”.
Hôm 9/5, bé Trần Thị Bảo Thu (tên do trung tâm đặt) bị bỏ trước cổng trung tâm. Nghe nói sau khi sinh, mẹ bỏ bé lại bệnh viện. Có người đến nhận nuôi, nhưng khi phát hiện đầu bé to vì não úng thủy, đành đem đến trung tâm. Còn bé Hoàng Lương thì phải nằm môït chỗ. Chị Nguyễn Thị Yến, mẹ nuôi bé, kể: Năm ngoái, gia đình đến gởi bé, trung tâm không nhận vì bé còn cả mẹ và cha. Vài ngày sau, có người phát hiện bé bị bỏ dưới gốc cây xoài, ngay ổ kiến trước trung tâm. Lương bị cha mẹ bỏ rơi vì bé bị khuyết tật vận động và mù hai mắt.
Mới đây, cậu bé tên Đen (7 tuổi) được một phụ nữ ở phường Phú Lâm dẫn đến trung tâm. Hoàn cảnh em cũng thật đáng thương. Đen kể: Mẹ bỏ em lúc mới sinh, bố đi lấy vợ khác. Em và 4 anh chị ở với bà nội, hàng ngày sống bằng nghề bán vé số. Trong lúc bán vé trên xe, em đã bị lạc. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, người chăm sóc cậu bé này, nói: Đen lớn, biết nhiều nên luôn buồn bã. Đây cũng là tâm trạng của những đứa trẻ không được sống bên cha mẹ.
Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên Trần Văn Thống nói: “Một trong những hướng tích cực của trung tâm là tìm cho trẻ một mái ấm, có cha có mẹ để phát triển toàn diện, cân bằng về tinh thần và thể chất. Những gia đình ổn định về kinh tế, có đạo đức, có lối sống lành mạnh mới được xem xét giao trẻ. Bằng sự nỗ lực từ nhiều phía, nhiều trẻ đã có được mái ấm gia đình đầy tình yêu thương”. Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, trẻ bị bỏ rơi ngày càng nhiều, trong số đó có trẻ bị dị tật nên cha mẹ chối bỏ; có gia đình quá nghèo, không nuôi nổi nên gởi con cho xã hội và cũng có không ít trẻ là kết quả không mong muốn của những cuộc tình vụng trộm, của tình trạng quan hệ tình dục bừa bãi của những “bà mẹ” tuổi 14, 15… Từ thực tế này cho thấy, công tác truyền thông, giáo dục, trang bị các kiến thức về tình dục an toàn, tình bạn-tình yêu, về sức khỏe sinh sản, về kiến thức chăm sóc con cái, giá trị của gia đình… vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, vứt bỏ núm ruột của mình, nhiều bà mẹ đã phải sống trong mặc cảm, ân hận suốt đời”.
DƯƠNG THU