- Xin ông cho biết đôi nét về loại hình Bảo hiểm Xã hội tự nguyện mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến đưa vào Luật Bảo hiểm Xã hội đang xây dựng?
- Với Bảo hiểm Xã hội bắt buộc đang được áp dụng, người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, hưu trí. Đối với loại hình này, chúng tôi chỉ sửa đổi và hoàn thiện sao cho vừa có thể thực hiện hiệu quả nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động vừa bảo đảm sự an toàn của quỹ.
Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội bắt buộc mới chỉ áp dụng cho lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động, tức là người làm công, hưởng lương, có hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên. Tuy nhiên, theo thống kê, trong tổng số trên 40 triệu lao động cả nước, chỉ có trên 10 triệu lao động tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc. Như vậy, còn tới 75% lao động không có điều kiện để bảo đảm cuộc sống khi về già. Do đó, Bảo hiểm Xã hội tự nguyện hoàn toàn cần thiết trong tình hình hiện nay. Nó sẽ bảo đảm cuộc sống về già cho những người tự tạo việc làm, lao động tự do, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, buôn bán nhỏ... Song đây là loại hình mới nên phải tính khả năng ảnh hưởng đến đâu, cách thức thực hiện như thế nào để có thể mở rộng mức độ bảo hiểm.
- Vậy người tham gia Bảo hiểm Xã hội sẽ phải đóng trong bao nhiêu năm, với mức đóng là bao nhiêu, thưa ông?
- Bảo hiểm Xã hội tự nguyện sẽ mở rộng hơn về quy định tuổi, tức là từ 55 trở lên đối với nữ, 60 trở lên đối với nam, nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian tham gia tối thiểu là 20 năm. Đối với Bảo hiểm Xã hội tự nguyện, nếu người lao động còn khả năng đóng bảo hiểm thì vẫn có quyền được đóng. Hoặc, nếu có người đến 60 tuổi mà chưa đủ 20 năm tham gia bảo hiểm thì vẫn còn điều kiện tiếp tục tham gia để đủ số năm đóng bảo hiểm.
Về mức đóng, hiện nay người lao động phải đóng 15% lương tháng đối với Bảo hiểm Xã hội bắt buộc (trong đó doanh nghiệp chịu 10%, người lao động chịu 5%). Người tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện cũng phải đóng như người tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc, nhưng được phép đóng định kỳ ba hoặc sáu tháng một lần. Mức đóng là 15% của thu nhập đăng ký với cơ quan bảo hiểm. Mức thu nhập thấp nhất phải bằng lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
- Với mức đóng như vậy, người lao động sẽ được hưởng những gì, thưa ông?
- Về cơ bản, người tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện vẫn được hưởng chế độ giống như người tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc. Người lao động sẽ có mức lương hưu tối đa là 75% thu nhập trung bình của cả quá trình tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng có đôi chút khác biệt là trước mắt, người tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất chứ không phải là năm chế độ như người tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc (ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất). Riêng những lao động gặp rủi ro sẽ được thanh toán một cục giống như lao động tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc.
- Những người đang làm công, ăn lương chuyển sang Bảo hiểm Xã hội tự nguyện sẽ được tính thế nào?
- Họ sẽ được cộng gộp tất cả thời gian tham gia để tính. Bởi hiện nay sự chuyển dịch lao động trong nền kinh tế thị trường rất lớn, phải bảo đảm để người lao động được tham gia Bảo hiểm Xã hội ở mọi vị trí. Mục tiêu của Bảo hiểm Xã hội là mọi người lao động đều được quyền tham gia. Tuy nhiên, tôi cũng xin khẳng định rằng, lúc mới ra đời thì chưa thể hoàn thiện, chưa thể bao quát được hết tất cả mọi vấn đề. Do vậy, cũng có thể phải bổ sung thêm các hình thức bảo hiểm khác, hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Hà Nội Mới