Tài nguyên nước ở Phú Yên rất phong phú. Trong ba nguồn nước (nước mưa, nước mặt và nước dưới đất), nguồn nước dưới đất là có chất lượng tốt nhất, ổn định, ít bị biến đổi nhất theo mùa, đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
NHIỀU NGUY CƠ Ô NHIỄM
Hiện nay, tài nguyên rừng ngày càng thu hẹp, ngày càng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, gây suy thoái tài nguyên đất và nước. Ngoài ra, với điều kiện 8 tháng khô hạn trong năm như hiện nay, diện tích rừng không đủ khả năng dữ nước, thiếu nước canh tác cho mùa khô, nước không được đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt, cho nông nghiệp nên diện tích đất thoái hoá do khô hạn cũng tăng lên.
Nhiều người dân miền núi vẫn dùng nước sông, suối trong sinh hoạt do thiếu nước sạch - Ảnh: N.T
Mặt khác, một số nhà máy sản xuất công ở thượng nguồn các dòng sông, các nhà máy ven biển, các làng nghề… là các nguồn ô nhiễm tiềm tàng đối với nguồn nước. Nếu không đầu tư và vận hành nghiêm túc các hệ thống xử lý nước thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước mặt và các hệ sinh thái dưới nước đầu nguồn.
Hoạt động nông nghiệp sử dụng một lượng lớn các hoá chất bảo vệ thực vật, phân bón, … góp phần gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất. Đây là một nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm do khả năng tồn tại lâu dài trong các mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, … sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp cũng gây ô nhiễm rất nghiêm trọng đến nguồn nước. Theo tính toán, có tới 50% thuốc trừ sâu được sử dụng rơi xuống và tích luỹ trong môi trường đất, gây ô nhiễm môi trường đất và nước dưới đất, đặc biệt là đưa vào chu trình tuần hoàn vật chất: đất - nước – cây - động, thực vật – con người.
Tình trạng nước thải sinh hoạt từ đô thị đến nông thôn đều xả thải trực tiếp vào môi trường cũng đã đến lúc báo động. Việc đổ rác bừa bãi góp phần làm lan truyền các chất ô nhiễm, đặc biệt là các chất ô nhiễm hữu cơ và các mầm bệnh vào trong đất. Nguồn ô nhiễm lớn nhất thuộc loại này là bãi rác Bình Kiến. Đây là bãi rác tập trung của toàn bộ TP Tuy Hòa và một số vùng phụ cận. Bãi rác này khá lớn nhưng trong quá trình xây dựng và khai thác sử dụng không theo đúng quy trình kỹ thuật nên gây ô nhiễm nghiêm trọng: Nền đáy bãi rác là nền cát, không được xử lý theo đúng quy định kỹ thuật nên hiện nay nước từ bãi rác ngấm xuống đất rất nhanh, một phần thâm nhập vào nguồn nước dưới đất, một phần lưu lại trong các tầng đất gây ô nhiễm môi trường đất và theo thời gian sẽ tiếp tục làm ô nhiễm các tầng chứa nước bên dưới. Hiện toàn tỉnh Phú Yên vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nào.
Sự gia tăng dân số nhanh tạo một sức ép rất lớn lên môi trường nước nói chung và nước dưới đất nói riêng là nguyên nhân sâu xa của các vấn đề về môi trường. Các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên phải gia tăng đã làm tăng quá trình bóc lột tài nguyên, vượt quá khả năng phục hồi, làm cho môi trường nước, tài nguyên cạn kiệt, suy thoái.
GIẢI PHÁP BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC
Để đảm bảo lượng nước đáp ứng đủ cho các nhu cầu con người, bên cạnh việc tăng khả năng cấp nước, sử dụng hợp lý nguồn nước, cần có các giải pháp tiết kiệm việc sử dụng nguồn nước, đặc biệt là trong các tháng mùa khô.
Cần xác định rõ trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn nước của các cấp, các ngành, tổ chức và cộng đồng, cá nhân, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và dịch vụ trên địa bàn. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích cá nhân và tổ chức tham gia công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn nước. Tiếp tục chỉ đạo bổ sung nội dung và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn nước và xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về môi trường, mô hình cấp nước tư nhân trong cộng đồng dân cư. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn nước. Xây dựng và phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, kịp thời biểu dương, khen thưởng và phổ biến, nhân rộng. Có biện pháp tích cực để ngăn chặn tệ phóng uế bừa bãi khu vực bờ biển.
Khan hiếm và thiếu nước là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người trong tương lai. Vì lẽ đó, cần có các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. Trước hết, cần phải củng cố, bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất, cả lượng và chất, hình thành mạng lưới quan trắc điều tra tài nguyên nước thống nhất trong phạm vi cả nước, tiến hành kiểm kê đánh giá tài nguyên nước trong các lưu vực sông, các vùng và toàn lãnh thổ. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nước để xây dựng chiến lược, chính sách phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nói chung và cho các lưu vực nói riêng.
LÊ VĂN THỨNG
(Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên)