Theo kết quả nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): Số người có nguy cơ mắc các bệnh do sử dụng nguồn nước có hàm lượng thạch tín (tức Arsenic) cao hơn mức cho phép đã lên tới hơn 17 triệu người, chiếm khoảng 21,5% dân số nước ta. Đáng báo động, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, số người mắc bệnh do sử dụng nguồn nước nhiễm thạch tín ở nước ta đã tăng gần gấp đôi.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, sự ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm ở Việt Nam đã ở mức cao so với tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn là 0,01 mg/l). Tiến sĩ Đặng Minh Ngọc- Viện Y học lao động- vệ sinh môi trường cho biết tổng hợp các kết quả thu được từ nghiên cứu các mẫu trên, qua hội chẩn các chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam đã kết luận: Các tổn thương trên của người dân là do tác hại của việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm thạch tín để ăn uống và sinh hoạt.
Thạch tín xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống, hô hấp, qua da hoặc truyền từ mẹ sang con. Khi thâm nhập vào cơ thể, thạch tín tích tụ nhiều trong các mô da, móng, tóc và trong các tổ chức giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non. Khi sử dụng nguồn nước nhiễm thạch tín, người ta không chết ngay nhưng mức độ tích lũy của thạch tín trong cơ thể sẽ tăng dần theo độ tuổi, và đến một thời điểm nào đó lượng tích luỹ thạch tín trong cơ thể cao, khi đó nó sẽ gây bệnh cho con người. Người bị nhiễm độc thạch tín có các biểu hiện như da xạm, tê tay, chân, rụng tóc.
(TTXVN)