Hai đối tượng học sinh khuyết tật và dân tộc thiểu số luôn là mối quan tâm, lo lắng của ngành giáo dục. Đặc biệt với học sinh khiếm thính, khiếm thị đang theo học tại Trường Niềm Vui, ngoài sự quan tâm còn có cả tình yêu thương, đùm bọc của toàn xã hội. Thế nhưng hiện nay vật giá cao ngất ngưởng, tiền ăn của các cháu ở nội trú chưa kịp điều chỉnh, bữa ăn không đủ dưỡng chất cần thiết. Với 7000 đồng/ngày/học sinh, được chia làm ba bữa: sáng 2000 đồng, trưa 2500 đồng, chiều 2500 đồng, số tiền ăn nói trên tụt xa so với mức trung bình.
Bữa ăn đơn sơ của các cháu khuyết tật |
Với 90 học sinh khuyết tật ở nội trú, mỗi sáng cô Mỉn, cấp dưỡng của Trường Niềm Vui, nhận từ thủ quĩ 270.000 đồng. Trừ tiền mắm, gạo, còn lại số tiền ít ỏi chỉ bằng tiền chợ của một gia đình khá giả, cô Mỉn nhiều khi không biết mua thức gì cho phải. Cô cứ phải nhắc người bán hàng: “Tôi mua cho các cháu Trường Niềm Vui đó, bán rẻ rẻ chút, các cháu biết ơn!”.
Để có được 7000 đồng/ngày cho mỗi cháu như hiện nay cũng không phải đơn giản. Từ năm 2002, UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ 2000 đồng cho mỗi học sinh khuyết tật vào các ngày đi học, tức mỗi tháng được 44.000 đồng, nhà trường phải thu thêm từ phụ huynh 170.000 đồng/học sinh/tháng. Cuối học kỳ 1 năm học 2007-2008 này, phía phụ huynh đã nợ đến 17.546.000 đồng. Hai học sinh đã bỏ học vì nợ tiền ăn quá nhiều. Theo tính toán, hiện nay, để đủ dinh dưỡng tối thiểu, các cháu cần phải có 13.000 đồng/ngày; sáng 3000đ, trưa chiều mỗi bữa 5000đ. Nếu buộc phải tăng khoản thu từ phụ huynh thì học sinh sẽ bỏ học, bởi đa phần cha mẹ có con khuyết tật đều nghèo!
Được biết các địa phương khác như Đăk Lăk, An Giang…, UBND tỉnh họ hỗ trợ tiền ăn cho mỗi học sinh khuyết tật từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng/tháng.
Người viết bài này xin thay mặt hơn 100 cháu khiếm thính, khiếm thị đang học tại Trường Niềm Vui cảm ơn hảo tâm của các cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh, của bà con Việt kiều và mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến các cháu.
NGỌC TRANG