Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cấm uống rượu bia đối với cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) trong giờ làm việc, ngày 29/1/2008, UBND tỉnh ban hành chỉ thị nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị dùng công quỹ làm quà biếu, chiêu đãi khách sai quy định và cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, say rượu nơi công cộng. Quy định này được nhiều người đồng tình, vì góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên thì quy định trên có thể chỉ nằm trên giấy, nhất là vào những ngày trước và sau Tết Mậu Tý...
UỐNG RƯỢU BIA LÀ THÓI QUEN!
Không nên uống bia trong giờ hành chính. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Hiện nay, bên cạnh nhiều CBCNVC cần cù làm việc với tinh thần trách nhiệm cao thì có lúc, có nơi, việc quản lý lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế và yếu kém, dẫn đến lãng phí thời gian lao động, làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác còn thấp. Một bộ phận không nhỏ CBCNVC nhà nước chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như làm việc riêng, đi muộn, về sớm, chơi games, đánh bài, uống rượu, bia trong giờ làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của CBCNVC.
Ngay trước thời gian nghỉ Tết Mậu Tý, các cơ quan đơn vị đã triển khai hội họp, tổng kết cuối năm, sau đó mở tiệc chiêu đãi... thế là nhiều CBCNVC sử dụng thời gian làm việc của mình vào việc uống rượu, bia. Anh Nguyễn Văn A ở một đơn vị sản xuất nói: Một năm mới có bữa tiệc tổng kết, các anh em cùng cơ quan mới gặp mặt đông đủ nên vui chút đỉnh... Nhưng đâu chỉ “vui chút đỉnh”, mà thường sau đó lại phát sinh thêm “mấy độ” nào là karaoke, bida... Còn anh Bùi Minh K, một văn nghệ sĩ, cho biết: “Nghệ sĩ mà không có chút rượu bia vô làm sao có cảm hứng sáng tác được. Đôi khi đang ở cơ quan, có “độ”, mấy chiến hữu gọi chẳng lẽ từ chối!”
Thậm chí nhiều cán bộ coi việc uống rượu, bia trước và sau khi làm việc là “thủ tục với khách”. Khách muốn làm việc với cơ quan, đơn vị, địa phương, trước hết phải uống rượu. Làm việc xong, lại uống rượu tiếp. Nhiều người lạm dụng rượu, bia, ảnh hưởng tới công việc, làm việc không đúng, hoặc phong cách không đàng hoàng, mặt mũi đỏ bừng. Có người sau khi uống rượu, bia xong lại ngồi tiếp dân hoặc xử lý công việc (!). Tất nhiên, sau khi đã uống rượu, bia thì làm việc không chủ động được, hiệu quả công việc thấp…
Đó là trước tết, còn sau tết, chỉ mới hai ngày đầu đi làm mà dường như đã thành lệ, cơ quan nào cũng chỉ có hai ba cán bộ còn hầu hết đều rủ nhau đi chúc tết muộn, đi “trút hũ”.... Thế là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh rơi vào quên lãng!
PHẢI THỰC HIỆN QUYẾT LIỆT
Chưa có cơ quan nào thống kê có bao nhiêu CBCNVC uống rượu, bia trong giờ làm việc; có bao nhiêu người đã say rượu bia, bao nhiêu người làm việc không hiệu quả vì rượu, bia. Đặc biệt, chưa thống kê có bao nhiêu người bị phê bình, kỷ luật vì uống rượu, bia trong giờ hành chính…
Ông Vũ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên cho biết: Việc thực hiện quy định cấm CBCNVC uống rượu, bia trong giờ làm việc là góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức đẹp về hình thức, mạch lạc trong tư duy và nghiêm túc trong công việc. Và để CBCNVC “nói không với rượu bia” trong giờ làm việc thì trước hết mỗi cán bộ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, mỗi đảng viên trong cơ quan, đơn vị phải gương mẫu chấp hành. Còn nhiều vị lãnh đạo khác thì khẳng định không nể nang, né tránh mà phải kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Nếu không, quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, chỉ là chiếu lệ và nằm trên giấy. Đặc biệt, nhiều đơn vị, sau khi có chỉ thị của UBND tỉnh thì ngay tại đơn vị cũng đã ra văn bản, quy định về việc cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc. Thiết nghĩ đây là những hành động thiết thực để thực hiện nghiêm các chỉ thị của các cấp, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức đẹp về hình thức lẫn tư duy sáng tạo, nghiêm túc trong công việc.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ YÊU CẦU: Thủ trưởng các đơn vị nên quản lý và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phân công lao động hợp lý và tổ chức tốt quá trình lao động của cán bộ, công chức, viên chức. Điều tra, khảo sát, xây dựng tiêu chuẩn, định mức lao động và thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức lao động và thời giờ làm việc đã được phê duyệt, áp dụng cơ chế khoán theo công việc hoặc theo thời gian thực hiện công việc; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân bổ thời gian hợp lý để thực hiện chương trình, kế hoạch được giao; thực hiện nghiêm chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng hội nghị, hội thảo, cuộc họp và tiết kiệm thời gian bằng cách đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức, điều hành hội nghị, hội thảo, cuộc họp; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO- 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn phòng; bảo đảm trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc phù hợp với tính chất, đặc thù lao động cho cán bộ, công chức, viên chức; triển khai có hiệu quả chương trình hiện đại hóa nền hành chính, hiện đại hóa công sở; đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện các quy định về sử dụng thời giờ làm việc; có biện pháp khuyến khích, khen thưởng xứng đáng, kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành kỷ luật lao động, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng thời giờ làm việc cao; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng thời giờ làm việc, về kỷ luật lao động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không xét khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thời giờ làm việc. Cán bộ, công chức, viên chức: Phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm, không chơi games trong giờ làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực; phải có mặt đúng giờ tại công sở theo giờ hành chính hoặc theo quy định cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
KIM CHI