Mỗi năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nhưng anh em lính đảo Trường Sa bảo, ở đây chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng năm đến tháng giêng năm sau, còn mùa khô từ tháng hai đến tháng tư. Tết ở Trường Sa rơi vào mùa khô và rất đặc biệt. Lính đảo “phát hiện” tết sắp đến khi thời tiết bắt đầu ấm dần, không còn xuất hiện những cơn lốc xoáy mỗi ngày và nhất là khi xuất hiện bóng con tàu chở hàng lần thứ hai trong năm ra đảo.
Trên đảo không có đạo cụ, văn công dùng mũ để múa phụ họa - Ảnh: X.H |
Vì vậy, thoáng thấy bóng con tàu mang số hiệu riêng của Quân chủng Hải Quân, không ai không vui mừng, reo lên vì sung sướng, vì “gặp lại đất liền”.
Nằm giữa biển Đông, xa tít trùng khơi, nhưng Tết trên quần đảo Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị của quê nhà, của đất liền, như bánh chưng, dưa món, thịt heo… Ngoài những thứ được mang ra từ đất liền, như heo, gà, vịt (còn sống), nếp, rượu, bia, bánh, mứt… có rất nhiều thứ do lính đảo “tự cung, tự cấp”. Phong phú nhất là các loại hải sản tươi sống. Đặc biệt, ở đảo Thuyền Chài, những ngày trước, trong và sau Tết xuất hiện rất nhiều ốc nhảy ở khu vực các bãi san hô. “Ốc nhảy ở đây con to gần bằng nắm tay và thịt rất ngon. Sáng sáng chúng nổi lên, đeo bám vào các cành san hô. Anh em chỉ làm mỗi việc là mang kính lặn, dùng vợt vớt cho vào sọt, vào bao. Trong một giờ, nếu chịu lạnh giỏi, mỗi chiến sĩ có thể vớt được tới chục ký. Đây là món cải thiện chính của đảo và là món đặc trưng trong mâm cơm ngày tết của bộ đội Trường Sa” – đại úy Nguyễn Thanh Thủy, Đảo trưởng đảo Thuyền Chài cho biết. Rau xanh là thứ “quý như vàng”, giống như nước ngọt, nhưng ngày Tết món này cũng không thiếu, nhất là ở các đảo như Thái Bình (Ba Bình), Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Nam Yết...
Làm báo xuân trên đảo Phan Vinh - Ảnh: X.H
Đặc biệt, cũng là bánh chưng nhưng bánh chưng ở Trường Sa mang hương vị rất riêng vì nó được gói bằng loại lá chỉ có trên đảo-lá bàng vuông.
Một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu của lính đảo Trường Sa trong những ngày Tết là báo tường. “Làm báo trên đất liền đã khó, làm báo trên đảo lại khó hơn nhưng rất thú vị” – đại úy Phạm Thanh Ba, Chính trị viên đảo Phan Vinh, cho biết tết năm 2007, đơn vị ra một lúc ba tờ báo tường, trong đó hai tờ mừng Đảng, mừng Xuân và một tờ chào mừng Đại hội Đoàn các cấp trong quân chủng. Để ra được một tờ báo, đơn vị cũng thành lập ra ban biên tập, bộ phận thư ký, trình bày… Người nào có năng khiếu gì đều được phát huy tối đa. Bài vở cho tờ báo thì tất cả cán bộ chiến sĩ từ đảo trưởng, chính trị viên trở xuống đều viết. Và chỉ có lính đảo Trường Sa mới có thể viết ra những vần thơ như thế này:
Nơi ấy là Trường Sa phải không anh
Sao cái tên nghe hiền hiền đến thế
Có phải tại biển về chiều xanh quá
Nên bức thư nào cũng có sóng chao nghiêng
…
Nơi ấy trời và biển thật bao la
Rộng và ấm như hồn người lính đảo
Giá em tan được vào cơn sóng
San sẻ cùng nhau gian khó, nhọc nhằn…
(Nơi ấy Trường Sa – Hoàng Vũ)
Nhờ có “món ăn” này mà Tết ở đảo ấm cúng hơn, anh em gắn bó thân thiết, ít nhớ nhà hơn.
XUÂN HIẾU