Năng suất lao động bình quân của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể trong một thập kỷ qua, tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động (năm 2006) lên 60,73 triệu đồng/lao động (năm 2017), song vẫn nằm ở mức thấp trong khu vực Đông Bắc Á và ASEAN.
Công bố trên được đưa ra bởi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018, với tựa đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”, do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp thực hiện.
Nội dung của báo cáo năm nay hướng vào chủ đề “nóng” - năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm “hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam”.
Với lý do trên, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong sau 20 hội nhập kinh tế. Sau đó, nhóm tác giả chọn lọc và phân tích những vấn đề cốt yếu trên thị trường lao động nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn phù hợp cho nền kinh tế.
Theo báo cáo, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam trong (giai đoạn 2006-2012) giảm từ 4,05% (năm 2006) xuống còn 3,06% (năm 2012), song sang giai đoạn 2012-2017, năng suất lao động đã có sự tăng tốc mạnh mẽ, bình quân 5,3%/năm.
Tuy nhiên so sánh trên bình diện quốc tế, năng suất lao động 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia).
Tính tới năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam ở ba ngành “công nghiệp chế biến - chế tạo; xây dựng; vận tải - kho bãi - truyền thông” ở mức thấp nhất trong các nhóm nước kể trên, Về tổng thể, Việt Nam xếp gần cuối, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành “nông nghiệp, điện, nước - khí đốt, bán buôn - bán lẻ - sửa chữa”.
Ngược lại, Việt Nam có năng suất lao động ở top cao thuộc ba nhóm ngành, ‘khai mỏ - khai khoáng, tài chính - bất động sản - dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng - xã hội - cá nhân”.
Với tư cách là đồng chủ biên tại báo cáo, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) nhấn mạnh, “nếu không muốn các quốc gia láng giềng như Campuchia vượt qua cả về năng suất nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện năng suất lao động của các ngành kinh tế”.
Theo ông Thành, Việt Nam cần tạo điều kiện tích cực hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp – TFP đồng thời có chính sách đào tạo, nâng cao tri thức, kỹ năng lao động, khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ trong các ngành cũng như đầu tư nghiên cứu cải tiến và mua công nghệ tiên tiến các trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên phát triển thị trường lao động cùng các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy quá trình “dịch chuyển lao động” theo đúng nhu cầu “dịch chuyển cơ cấu”.
Cụ thể hơn, ông Thành đề xuất, đối với nhóm ngành công nghiệp (chế biến - chế tạo) và dịch vụ, các chính sách cần chú trọng nhiều hơn đến việc cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung.
Theo Vietnam+