Thứ Năm, 23/01/2025 21:26 CH
Khi con chơi game
Thứ Ba, 08/05/2018 09:16 SA

Trẻ nghiện chơi game gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ - Ảnh: Internet (Ảnh có tính minh họa)

Thế giới internet với rất nhiều tiện ích không thể chối cãi. Trẻ em, thanh thiếu niên hào hứng xem internet như một thư viện khổng lồ. Thực tế đã có nhiều em dùng internet để hỗ trợ học hành và đạt kết quả tốt nhưng cũng có em lại để internet điều khiển, cám dỗ và sa sút.

 

Nghiện net là trào lưu chung nhưng với lứa tuổi học sinh thì chính xác là nghiện game online. Trường tôi đã có em học sinh phải bỏ học giữa chừng vì nghiện game. Ban đầu là lấy trộm tiền của mẹ bỏ nhà trốn đi chơi game, rồi “cầm nhầm” tiền bạc của láng giềng,… Hậu quả là bỏ học ở lớp 8. Rồi cũng có em đang học giỏi bỗng trở nên sa sút toàn diện, sức khỏe và học lực đều xuống dốc không phanh, đó là hậu quả của việc chơi game quên ăn quên ngủ.

 

Tuần nào trong tiết sinh hoạt dưới cờ cũng nghe thầy Tổng phụ trách nhắc nhở chuyện các em la cà ở tiệm net. Rồi tổ chức họp giáo viên chủ nhiệm tìm cách chấn chỉnh tình trạng các em trốn học chơi game, lừa gia đình xin tiền học nhưng cuối cùng đốt tiền vào những trò game online.

 

Đây là vấn đề đau lòng nhức óc, rất khó có biện pháp thỏa đáng. Bởi đã có chuyện, thầy giáo thấy học sinh ngồi chăm chú vào trò chơi, thầy vào tận nơi, phân tích đúng sai chuyện lãng phí thời gian, tiền bạc vào game và yêu cầu học sinh đừng chơi nữa, về nhà lo học hành thì em ấy gân cổ lên nói to: “Thầy không có quyền cấm em vui chơi. Em chơi bằng tiền của em!”. Đấy, thầy cô thiệt khó xử khi thái độ phản đối của học sinh quá gay gắt, khi các em kháng cự quyết liệt thì mọi lời nói cũng vô nghĩa. Khổ nỗi, phụ huynh, giáo viên không cho tiếp cận internet thì chẳng khác gì để học sinh, con em mình tụt hậu. Mà để các em dùng net thì chơi game là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra, khi đó thì nơm nớp, đau đáu lo.

 

Để chấn chỉnh tình trạng học sinh chơi game đến mức nghiện thì cách tốt nhất là kết hợp giữa nhà trường với gia đình. Nhà trường giáo dục, kêu gọi, định hướng. Ba mẹ theo dõi, điều chỉnh hành vi vui chơi của con. Đó là ý kiến của đa số! Và đại đa số đều thống nhất cả nhà trường và gia đình nên định hướng trẻ vào những trò chơi lành mạnh, bổ ích. Nói thì dễ nhưng làm khó lắm.

 

Cụ thể là có một buổi sáng, tôi rụng rời khi hay tin em học trò lớp 7 vì ham chơi game nên cứ xin tiền mẹ rồi nhảy vào tiệm net. Bà mẹ khi biết chuyện thì giận dữ chửi bới và đánh con rất mạnh tay. Cậu nhỏ phẫn chí bèn lén lấy thuốc trừ cỏ uống. Khi phát hiện thì đã mê man và chuyển vào phòng cấp cứu trong đêm.

 

Thời đại công nghệ thông tin, rõ ràng không thể cấm trẻ em tiếp cận internet. Vậy thì biện pháp nào để các em làm chủ được internet, vững vàng trước cám dỗ của những trò chơi hấp dẫn của thế giới game online? Đặc biệt cha mẹ sẽ thế nào khi trẻ tiếp xúc với net, với game, đó là câu hỏi lớn mà những người lớn có trách nhiệm phải tìm câu trả lời.

 

Nhưng dù giải pháp nào đi nữa thì mong rằng chuyện cậu học trò nhỏ uống thuốc cỏ vì chơi game bị mẹ đánh sẽ là bài học cho tất cả quý bậc phụ huynh. Hãy khéo léo, bình tĩnh xử trí khi tận mắt thấy con mình say sưa với game onlline, đừng nóng quá thành chỗ “cả giận mất khôn”.

 

BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek