Sở LĐ-TB-XH Phú Yên đang tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 2 năm 2018. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, Phó Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh xung quanh các hoạt động sẽ diễn ra trong tháng hành động.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Phất |
* Thưa ông, mục đích và cách thức triển khai các hoạt động chính của Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ 2 năm 2018 là gì?
- Nhằm triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu quả, với phương châm công tác ATVSLĐ phải là những hành động cụ thể tại nơi làm việc, của những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển từ việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN thành Tháng hành động về ATVSLĐ.
Năm nay, Tháng hành động ATVSLĐ diễn ra từ ngày 1-31/5/2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Đây là lần thứ hai, tỉnh tổ chức Tháng hành động với mục đích thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các doanh nghiệp, người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng người lao động.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động và hướng dẫn thi hành đến doanh nghiệp và người lao động. Thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, BNN, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí và thu hút được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp và người lao động.
* Dù triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng mất ATVSLĐ và cháy nổ vẫn còn xảy ra tại một số đơn vị, công ty. Ông có thể phân tích thêm về vấn đề này?
- Tại nơi làm việc luôn tồn tại rất nhiều các yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe và tính mạng của người lao động như các vật văng bắn, các bộ phận truyền, chuyển động của máy, thiết bị, bị điện giật, bị bỏng, các yếu tố vi khí hậu xấu, tiếng ồn, rung, hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại...
Sơ cấp cứu ban đầu với tình huống tai nạn lao động tại Hội thi An toàn vệ sinh lao động - Ảnh: KIM CHI |
Các yếu tố này có thể tác động gây bệnh cho người lao động hoặc gây ra thương tích, tử vong cho người lao động nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả. Trong khi đó, nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc sẽ phòng ngừa và hạn chế được các sự cố, TNLĐ, BNN.
Thời gian qua, dù có nhiều hoạt động, tuy nhiên, theo dự báo của các ngành chức năng, tình hình TNLĐ, BNN trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Năm 2017, khi triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức lễ phát động tại trung tâm TP Tuy Hòa và tại 3 khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Thành lập đoàn kiểm tra gồm các ngành chức năng liên quan kiểm tra tình hình tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ tại 13 doanh nghiệp. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội thi An toàn, vệ sinh viên giỏi cấp tỉnh, hưởng ứng tháng hành động, với hơn 400 lao động tham gia...
* Trong tháng hành động năm nay, tỉnh sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền như thế nào để nâng cao nhận thức và phát huy đảm bảo ATVSLĐ, thưa ông?
- Để công tác ATVSLĐ được triển khai có hiệu quả và xuyên suốt, các sở, ngành, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, thanh tra đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATVSLĐ gây hậu quả nghiêm trọng.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động theo quy định của Chính phủ; thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm BNN cho người lao động; tổ chức thăm hỏi thân nhân của người chết do TNLĐ (nếu có), động viên những người bị TNLĐ, BNN có hoàn cảnh khó khăn; người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, làng nghề có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm; tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 do các cấp tổ chức.
Sở LĐ-TB-XH đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng kế hoạch huấn luyện ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng dẫn cụ thể về các quy trình, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm BNN cho người lao động.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần tổ chức các đợt tự kiểm tra về ATVSLĐ, bổ sung các biển báo, rào chắn những khu vực nguy hiểm có nguy cơ tai nạn lao động; rà soát và bổ sung nội quy, quy trình ATVSLĐ cho những công việc, địa điểm sản xuất có nguy cơ TNLĐ, BNN...; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình công nhân, viên chức và người lao động của doanh nghiệp bị TNLĐ, BNN; tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh cho người lao động...
* Xin cảm ơn ông!
KIM CHI (thực hiện)