Thứ Sáu, 18/10/2024 23:20 CH
Định hướng phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam
Chủ Nhật, 25/03/2018 08:00 SA

Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ II (25/3), tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Định hướng phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam: Vai trò của pháp luật - đào tạo - thực tiễn”. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, nhà giáo dục, nhà thực hành công tác xã hội trong nước và quốc tế.

 

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp và sáng kiến nhằm xây dựng một “tam giác” vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của nghề công tác xã hội phù hợp với bối cảnh Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.

 

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà thực hành công tác xã hội trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng xoay quanh 3 chủ đề lớn gồm: Hành lang pháp lý phát triển nghề công tác xã hội; giáo dục và đào tạo công tác xã hội; nghiên cứu mô hình dịch vụ công tác xã hội. Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Nhật Bản, Phần Lan cũng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về những vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý cho sự ra đời Luật Công tác xã hội; trao đổi, thống nhất chương trình đào tạo cũng như các mô hình hoạt động công tác xã hội có hiệu quả.

 

Mặc dù mới hình thành nhưng nghề công tác xã hội ở Việt Nam đã từng bước chuyên nghiệp hóa, dần khẳng định là một nghề góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân. Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH đang trong quá trình xây dựng Luật Nghề công tác xã hội, nhằm tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho sự phát triển của nghề công tác xã hội. Các cơ sở đào tạo đã và đang từng bước đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thực tiễn về nguồn nhân lực. Các tổ chức, trung tâm và cơ sở xã hội đã và đang xây dựng các mô hình dịch vụ xã hội ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều đó cho thấy, tam giác “pháp luật - giáo dục - thực tiễn” có thể tạo ra cơ sở pháp lý và khoa học để nghề công tác xã hội có vị trí vững chắc trong xã hội.

 

Ông Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch Liên hiệp hội các trường đào tạo công tác xã hội cho biết: Cả nước hiện có khoảng 500 cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ và 57 trường tham gia đào tạo nghề công tác xã hội. Hiện tại, cùng với việc đào tạo, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ thì việc hoàn thiện Luật Công tác xã hội là cấp thiết để tạo hành lang pháp lý cho nghề công tác xã hội phát triển toàn diện. Để làm được điều này, các đơn vị liên quan cần hoàn thiện trên hai khía cạnh gồm: Xây dựng luật chuyên ngành công tác xã hội; tiếp tục hoàn thiện các luật gián tiếp điều chỉnh công tác xã hội như Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới... để tạo đà cho nghề công tác xã hội phát triển nhanh hơn nữa và đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Mặt khác, hoạt động công tác xã hội không phải là hoạt động nhân đạo từ thiện thuần túy, mà đây là một chuyên ngành, có phương pháp, kỹ năng, hệ thống lý thuyết riêng. Người làm nghề công tác xã hội đòi hỏi phải được đào tạo bài bản mới đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, công tác giáo dục, đào tạo nghề và vai trò của các trường đại học, cơ sở giáo dục rất quan trọng.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek