Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của ngành Dân số là nâng cao chất lượng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và nhất là với địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh), cho biết: Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên đã đạt được một số kết quả nhất định. Mức sinh đạt dưới mức thay thế, tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại hơn 75%, tỉ lệ sinh con thứ 3 ở mức 8,8%...
Năm 2017, số thai phụ được sàng lọc trước sinh của tỉnh là gần 3.000 người, đạt hơn 125% kế hoạch tỉnh giao; số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh để xác định bệnh thiểu năng giáp bẩm sinh và thiếu men đạt 100% kế hoạch (hơn 1.000 trẻ sơ sinh được sàng lọc)… Bên cạnh đó, một số hoạt động về công tác DS-KHHGĐ được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo SKSS, sức khỏe bà mẹ trẻ em (SKBMTE).
Theo bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, có được kết quả đó là nhờ hàng năm các tổ chức đã hỗ trợ các loại tờ rơi tuyên truyền về KHHGĐ, các biện pháp tránh thai; sổ tay cộng tác viên về cập nhật kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung và phòng chống nhiễm khuẩn… Điều này đã góp phần cho chương trình KHHGĐ của Phú Yên có thêm nguồn lực để đạt mục tiêu giảm mức sinh, nhất là tại các vùng khó khăn.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, bộ, ngành Trung ương cùng thực hiện các mục tiêu của chương trình DS-KHHGĐ địa phương đồng bộ với chương trình mục tiêu Dân số - Y tế cả nước. Điển hình như dự án CHOICE (tổ chức Anh), năm 2017 đã hỗ trợ đặt dụng cụ tử cung 7.643 ca; năm 2018 phấn đấu đạt 7.200 ca.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc SKBMTE vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tử vong mẹ vẫn còn cao. Năm 2017, tỉ số tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống đạt trên 54 bà mẹ; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 11,7%o...; Bên cạnh đó, người dân chưa có tính chủ động trong việc tiếp cận các dịch vụ an toàn, tình trạng phá thai không an toàn, nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn xảy ra; kiến thức về SKSS/sức khỏe tình dục của vị thành niên và thanh niên vẫn còn hạn chế.
Ông Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước trong và sau sinh của một bộ phận người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế; năng lực chuyên môn của một số cán bộ y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở trong chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh còn hạn chế; trong khi đó ngân sách đầu tư của chương trình mục tiêu và các dự án của các tổ chức quốc tế bị giảm mạnh, nguồn lực hỗ trợ của địa phương cho công tác chăm sóc SKSS còn nhiều khó khăn.
Công tác DS-KHHGĐ hiện đang phải tiếp tục một chặng đường dài và không ít khó khăn. Theo ông Lê Văn Bi, từ cuối tháng 3 này, ngành Dân số tỉnh tích cực triển khai hành động về DS-KHHGĐ, tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng SKBMTE, duy trì mức sinh thấp hợp lý, từng bước giải quyết các vấn đề về cơ cấu dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh; đảm bảo tiếp cận các biện pháp tránh thai và dịch vụ KHHGĐ chất lượng cho người dân.
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung nâng cao chất lượng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn và nhất là với địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị, cung cấp các thuốc cần thiết cho phụ nữ có thai, bà mẹ và cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, đặc biệt là các thuốc cấp cứu ở tuyến xã. Tập trung sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; dự phòng các bệnh lây truyền từ cha, mẹ sang con; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ nhỏ từ 0-24 tháng tuổi.
KIM CHI