Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Kết quả bước đầu
CTXH là nghề mới mẻ đối với nước ta nói chung và Phú Yên nói riêng. Vì vậy, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, nhiệm vụ của nghề CTXH là nhiệm vụ cấp thiết. Trong những năm qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và địa phương, đề án Phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Các địa phương bố trí, sắp xếp và giao nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho đội ngũ cộng tác viên CTXH ở xã, phường; đảm bảo đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của nhân viên CTXH; các trung tâm trợ giúp xã hội đã nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH. Ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng, các trung tâm còn quan tâm đến các hoạt động học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống... Nhờ đó, các đối tượng bảo trợ xã hội có cơ hội tiếp cận các dịch vụ CTXH. “Phú Yên phấn đấu đến năm 2020 tất cả đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng miền núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định. 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện”, ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ cộng tác viên CTXH các xã, phường, thị trấn và nhân viên CTXH tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở y tế. Phát triển dịch vụ trợ giúp khẩn cấp dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình.
Cần phát triển lực lượng làm nghề CTXH
Dân số Phú Yên hiện nay hơn 900.000 người, trong đó trên 200.000 trẻ em (chiếm trên 20% dân số), gần 97.000 người cao tuổi (chiếm trên 10,7% dân số), trên 20.000 người khuyết tật (chiếm gần 2,24% dân số), là những người chiếm phần lớn trong diện được bảo trợ xã hội.
Ông Nguyễn Thông Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống đều khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thường ảnh hưởng thiên tai nhiều hơn so với người dân sống ở vùng đồng bằng và thành thị.
Theo số liệu thống kê, hiện trên toàn tỉnh có hơn 39.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hơn 23.000 hộ cận nghèo, chiếm 9,1% tổng số hộ trong tỉnh. Trong đó 5.912 hộ cận nghèo ở khu vực thành thị và 17.567 hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn và hơn 20.000 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Ông Võ Văn Binh cho biết thêm, mặc dù thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội như: xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất… Tuy nhiên, hiện cuộc sống của nhiều đối tượng xã hội còn khó khăn. Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh cần phát triển lực lượng làm nghề CTXH chuyên nghiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
KIM CHI