Mùa xuân Mậu Thân - 1968, tại khu vực sân bay của Mỹ (nay thuộc phường 8, TP Tuy Hòa) đã diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa các chiến sĩ giải phóng quân với lực lượng hùng hậu của Mỹ - Thiệu. Nhiều chiến sĩ giải phóng đã hy sinh tại nơi này, bị bom, đạn pháo và xe ủi vùi sâu trong cát. 50 năm trôi qua, nơi này được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Một tượng đài hoành tráng được xây dựng để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ. Họa sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn, một người con đất Phú Yên sau nhiều năm sinh sống và thành đạt ở xứ người đã trở về trải tấm lòng, chung tay thực hiện công trình này.
KTS Nguyễn Hà Sơn |
NHỮNG KHOẢNH KHẮC CỦA MÙA XUÂN LỊCH SỬ
Khu di tích gồm nhiều hạng mục như: nhà đón tiếp, nhà tưởng niệm, đặc biệt là 4 trụ lớn ốp đá đỏ dựng từ cổng đi vào khắc 4 con số 1-9-6-8. Dưới chân mỗi trụ được trồng hoa mai - loài hoa nở vàng rực vào mùa xuân ở miền Nam. Điểm nhấn của khu di tích là cụm phù điêu ở trung tâm bằng đá granit màu xám gồm một trụ vút cao ở giữa và bốn cánh chụm vào thể hiện những khoảnh khắc của sự kiện mùa xuân Mậu Thân. Ở cánh đầu tiên là hình ảnh các vị lãnh đạo ngồi họp bàn chuẩn bị cho chiến dịch, bên cạnh đó là những bà mẹ sửa soạn cho các con ra chiến trường no lòng với những chiếc bánh tét đặc trưng vùng đất Phú Yên. Không khí ấm áp với nhiều sắc màu rực rỡ: màu lửa đỏ dưới nồi bánh tét, màu hồng thắm hoa đào, màu vàng hoa mai, màu xanh của tre và dừa in bóng trên màu trời xanh quê hương. Xa trên cao, những vầng mây trắng xoắn vào nhau tạo nên con số 1968. Cánh thứ hai là cảnh lưu luyến tiễn đưa người ra trận. Hình ảnh các mẹ, các chị hai miền với nét đặc thù trên trang phục như chiếc áo ấm và nồi nước chè mang đặc trưng miền Bắc; chiếc khăn rằn quàng trên cổ và chiếc khăn trao tay của bà mẹ miền Nam. Điểm chung trên tất cả là nét mặt rạng ngời tin tưởng về ngày mai tươi sáng. Cánh thứ ba và thứ bốn nổi bật ở phía trước thể hiện khí thế nhiều cánh quân dũng mãnh xông lên trong lửa đạn. Không cường điệu, khô cứng nhưng cũng không bi thương, cụm phù điêu như một câu chuyện kể tạc vào không gian và thời gian khoảnh khắc mùa xuân đáng nhớ của dân tộc.
KTS Nguyễn Hà Sơn và các cộng sự trên công trình xây dựng tượng đài - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
TẤM LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG
Sinh ra và lớn lên ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, tốt nghiệp mỹ thuật Huế, Nguyễn Hà Sơn thỏa chí tung hoành và thành đạt trên đất phương Nam. Từ năm 2000 trở đi, đôi mắt và bàn tay của Hà Sơn đã để lại dấu ấn trên nhiều công trình mỹ thuật ở khắp nơi. Hầu hết là những công trình đồ sộ, hoành tráng khiến anh được gọi là “người làm tượng to nhất Việt Nam”. Các công trình này không chỉ có giá trị về mỹ thuật mà còn giúp cho các chủ đầu tư khai thác có hiệu quả về mặt kinh tế - du lịch. Công trình đầu tiên giúp anh nổi tiếng là núi tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ - Biển Tiên Đồng ở khu du lịch (KDL) Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh). Ngay sau đó, anh làm cụm Ngũ Hành Sơn ở KDL Đại Nam (Bình Dương). Sau khi anh hoàn thành công trình KDL suối nước nóng Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì KDL này ăn nên làm ra thấy rõ. Tại các KDL Vinpearl land, suối nước khoáng Trăm Trứng ở Sông Lô (Nha Trang), Lan Vương (Bến Tre), Bát Tiên (Đồng Nai), Núi Bà Đen (Tây Ninh), làng cà phê Trung Nguyên và KDL Ma-Đrắk (Đắk Lắk), chùa Vạn Linh trên Thiên Cẩm Sơn (An Giang)…, Hà Sơn đều để lại những dấu ấn đẹp của một nghệ sĩ tài hoa.
Trong khi đang “vắt giò lên cổ” từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau rồi Buôn Ma Thuột để thực hiện các công trình thì kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn được Phú Yên mời về chỉnh trang lại KDL Gành Đá Đĩa để khai thác du lịch xứng tầm với thắng cảnh có một không hai này. Anh sắp xếp công việc và hẹn: chỉ làm mỗi công trình này thôi vì còn phải “chạy” cho kịp tiến độ các công trình khác đang dở dang ở khắp nơi. Anh làm xong con đường phía đông Gành Đá Đĩa, quy hoạch lại bãi đậu xe và một vài hạng mục khác khiến KDL này “thay da đổi thịt” thì lãnh đạo tỉnh “nhờ” làm tiếp nhiều công trình khác. Anh lại xắn tay vào góp phần làm cho con đường ven biển TP Tuy Hòa đẹp thêm với biểu tượng con sò lóng lánh sắc màu và các tượng đá nằm đan xen trong cỏ, hoa; anh thiết kế và thi công tượng đài liệt sĩ huyện Đông Hòa quê hương anh với điểm nhấn là vầng mặt trời đỏ rực nhô lên từ biển. Chưa hết. Trong khi Hà Sơn thiết kế và thi công tượng đài Xuân Mậu Thân, lãnh đạo tỉnh lại “nhờ” anh làm tiếp một số công trình để làm đẹp cho Phú Yên nói chung, TP Tuy Hòa nói riêng.
Nguyễn Hà Sơn tâm sự: Không nhận thì lòng mình áy náy vì lẽ nào không đóng góp công sức để vẹn nghĩa với quê hương, mà nhận lời thì tết này chắc phải sáng mùng một mới có mặt ở Sài Gòn với vợ con!
DƯƠNG THANH XUÂN