Chủ Nhật, 06/10/2024 01:24 SA
Đạo đức nghề nghiệp - nền tảng một nhân cách
Thứ Năm, 08/02/2018 09:24 SA

Trong cuộc sống, khi ta chọn bất kỳ một nghề nghiệp nào thì cũng phải có một tình yêu nghề thiêng liêng và sâu đậm. Vì nghề nghiệp không chỉ là phương tiện để sống mà còn là nơi để mỗi con người chúng ta có thể cống hiến hết sức lực và trí tuệ cho xã hội. Và để được như vậy thì trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi người đều đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp.

 

Đạo đức nghề nghiệp là những chân giá trị mà những người lao động trong nghề phải tuân theo và hướng tới trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Mỗi nghề trong xã hội đều có những chân giá trị riêng. Đạo đức nghề nghiệp bao gồm các yếu tố như: việc tuân thủ quy chế, quy trình, quy định, mức độ trung thực, khách quan, công bằng khi hoạt động nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, sự đam mê trong công việc và mối quan hệ với đồng nghiệp. Các yếu tố này là các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khi con người tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, họ sẽ nhận ra được giá trị của nó.

 

Đó là niềm đam mê, tình yêu nghề, xây dựng được uy tín trong nghề và hơn hết, họ sẽ biết cách điều chỉnh cho phù hợp giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, giữa hạnh phúc của bản thân với hạnh phúc của người khác và của xã hội để đạt đến thành công trong hoạt động nghề nghiệp.

 

Đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng để phát triển sự nghiệp, nó quyết định sự tồn tại trong xã hội và sự thành công trong công việc. Đạo đức nghề nghiệp là một loại đạo đức đã được thực tiễn hóa, nó là nền tảng để mỗi người xây dựng và hoàn thiện nhân cách của bản thân.

 

Thực tế đã có không biết bao nhiêu tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp được mọi người noi theo, được xã hội tôn vinh. Ở họ có một ý chí phấn đấu vươn lên rất đáng ngưỡng mộ, một tinh thần tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, một tình yêu nước nồng nàn, và hơn hết là sự hy sinh vô điều kiện vì nghề mà cuộc đời họ đã gắn bó.

 

Họ đã trở thành những tấm gương, biểu tượng tiêu biểu không chỉ trong một lĩnh vực cụ thể nào của đời sống xã hội mà còn là niềm kiêu hãnh, tự hào của quốc gia, dân tộc. Đó là GS, bác sĩ Đặng Văn Ngữ - cha đẻ của thuốc kháng sinh penicillin ở Việt Nam, một con người luôn hết mình vì sự tiến bộ của lĩnh vực y học Việt Nam.

 

Đó là PGS, nhà giáo Văn Như Cương - người đầu tiên thành lập trường dân lập tại Việt Nam, người thầy được bao thế hệ học sinh biết đến và kính trọng không chỉ vì năng lực chuyên môn mà còn vì sự tận tụy, hết lòng vì học sinh của ông. Đó là nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, không ngừng rèn luyện để vượt lên số phận, khắc phục nhược điểm của bản thân.

 

Ông không chỉ là một nhà giáo ưu tú mà còn có một vị trí hết sức trang trọng trong lĩnh vực văn học Việt Nam. Và mới đây, câu chuyện về nhà báo Đinh Hữu Dư (phóng viên TTXVN) đã khiến nhiều độc giả cảm thấy xúc động về tấm gương đạo đức nhà báo sáng ngời; anh không ngại nguy hiểm, bất chấp cả tính mạng của mình để mang đến cho bạn đọc những tin tức nhanh nhất và chân thật nhất…

 

Nói đến sự hy sinh trong thời bình thì không ai thấm thía nỗi đau này bằng thân nhân của những chiến sĩ công an, quân đội đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ. Đó là thiếu úy công an Sùng A Trư, trung úy Bùi Quốc Đại trong vụ Vàng A Của hay sự hy sinh của 20 chiến sĩ không quân trong vụ rơi máy bay ở Thạch Thất (Hà Nội) chỉ vì không muốn máy bay rơi xuống khu dân cư mà bất chấp cả tính mạng…

 

Họ đều là những người con ưu tú của Tổ quốc, có tương lai tươi sáng phía trước nhưng vì cuộc sống bình yên của nhân dân, họ đã mãi mãi nằm xuống. Có lẽ mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh người lao công quét rác trên đường phố bất chấp ngày nắng hay ngày mưa, có khi giữa đêm đông giá rét.

 

Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra, như vụ chị lao công Nguyễn Thị Thủy (Kon Tum) bị ô tô tông khi đang quét rác khiến chị tử vong tại chỗ. Và mới đây, chắc chắn mọi người vẫn đang hân hoan trước kỳ tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải bóng đá U23 châu Á năm 2018. Tuy phải đối đầu với những đối thủ mạnh ở châu lục và thi đấu trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt nhưng với tinh thần thi đấu ngoan cường vì màu cờ sắc áo, các cầu thủ trẻ của chúng ta đã làm nên lịch sử cho nền bóng đá nói riêng và thể thao nước nhà nói chung...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương sáng mà chúng ta đang tự hào thì hiện nay tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp đang là một trong những vấn đề bức xúc, nhức nhối, gây dư luận xấu trong xã hội, cần được khắc phục.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với những yếu tố tiêu cực của nó, con người thường có xu hướng ham muốn vật chất một cách thái quá dẫn đến làm những việc trái pháp luật, trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp để thỏa mãn nhu cầu của mình. Một bộ phận người không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp dẫn đến sa ngã, tha hóa, bị cám dỗ bởi sức hút của đồng tiền, danh vọng.

 

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đề cập đến tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Điển hình là những sai phạm của Tập đoàn Vinashin hay mới đây là sai phạm của Tập đoàn PVN do thiếu tinh thần trách nhiệm của một số lãnh đạo dẫn đến thất thoát hàng ngàn tỉ đồng; vụ việc một nhóm bác sĩ, kỹ thuật viên tại Khoa Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh dùng thủ thuật cắt phim, ghép phim, gian lận trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân để trục lợi, một hành động vô lương tâm, vô nhân đạo.

 

Những vụ việc bạo hành học sinh của những bảo mẫu, giáo viên đang là vấn đề nhức nhối hiện nay trong ngành Giáo dục. Tình trạng phóng viên báo chí bẻ cong ngòi bút, vi phạm đạo đức, kỷ luật; luật sư lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để kêu gọi đấu tranh đòi “dân chủ, nhân quyền”, cổ xúy cho những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước… đã làm mất đi nét đẹp vốn có của đạo đức nghề nghiệp và bản sắc văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt Nam, khiến cho dư luận phẫn nộ, lên án.

 

Một phóng viên người nước ngoài Karl Stefanovic đã có những chia sẻ rất chân thật về cuộc phỏng vấn Pat Farmer - một vận động viên chạy maratông người Úc. Pat đã thực hiện một cuộc hành trình có thể nói là bất khả thi khi chạy bộ từ cực Bắc tới cực Nam với tổng quãng đường 21.000 cây số chỉ trong 10 tháng để quyên góp tiền cho các dự án nước sạch và cứu trợ thảm họa của Hội Chữ thập đỏ.

 

Dù phải đương đầu với vô vàn nguy hiểm nhưng cuối cùng Pat đã hoàn thành cuộc hành trình của ông. Và Karl Stefanovic đã phải công nhận rằng đó là một hành trình dài nhất trong lịch sử.

 

Những nỗ lực tuyệt vời của Pat đã phần nào giúp cho cuộc sống hàng triệu người đang sống trong các cộng đồng đói nghèo và bị tàn phá trên khắp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. TS, bác sĩ người Đức Albert Schweitzer đã nói: “Một người chỉ thực sự có đạo đức khi anh ta phục tùng sự thôi thúc muốn giúp tất cả mọi sinh mệnh anh ta có thể giúp được và lùi lại không làm tổn thương tới bất cứ sinh linh nào”…

 

Khi mới 17 tuổi, trong luận văn tốt nghiệp trung học, C.Mác đã viết: “Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người. Những việc làm của ta sẽ sống một cuộc sống âm thầm nhưng mãi mãi có hiệu quả, và trên thi hài của chúng ta sẽ nhỏ xuống những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý”. (C.Mác - Sức sống mùa xuân. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1983, tr.4)

 

LƯƠNG TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek