Thứ Hai, 07/10/2024 05:48 SA
Thúc đẩy việc lồng ghép giới trong hoạch định chính sách
Thứ Bảy, 27/01/2018 14:00 CH

Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp với Tổ chức Nhân dân Australia vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại tại Việt Nam (APHEDA Việt Nam) tổ chức hội thảo lồng ghép giới trong hoạch định chính sách. Đây là một trong những hoạt động của dự án Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính do APHEDA Việt Nam tài trợ cho Phú Yên. Tại hội thảo này đã có nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực để thúc đẩy việc lồng ghép giới trong hoạch định chính sách thành công trong thời gian tới. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu...

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ PHAN ĐÌNH PHÙNG: Đẩy mạnh việc lồng ghép giới hoạch định chính sách ở địa phương

 

Bình đẳng giới (BĐG) là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới về tất cả mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

 

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chính sách quan trọng mang lại quyền lợi bình đẳng cho phụ nữ. Trong đó chú trọng tuyên truyền giáo dục để thay đổi quan niệm, tư duy của xã hội về vai trò của phụ nữ nhằm hướng đến nâng cao vai trò của phụ nữ, tăng quyền cho phụ nữ, đặc biệt là trong bầu cử, trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt cũng như những quyền lợi xứng đáng với cống hiến của phụ nữ cho xã hội.

 

Vừa qua, Phú Yên tổng kết 10 năm thi hành Luật BĐG cho thấy việc triển khai thực hiện các nội dung về Luật BĐG trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, lao động việc làm… Tuy nhiên, khoảng cách giới ở Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng còn khá lớn. Lồng ghép giới trong việc thực thi các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự rõ nét; trong các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa có sự tách biệt giới để có sự so sánh…

 

Để công tác lồng ghép giới trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp, ngành phải nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, năng lực của đơn vị mình nhiều hơn nữa trong việc thực thi các quy định của pháp luật về vấn đề này.

 

Các sở, ban ngành liên quan cần tăng cường sự phối hợp, kết nối, hợp lực để thực hiện đạt các chỉ tiêu về BĐG, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về BĐG đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh việc lồng ghép giới vào kế hoạch hoạt động của UBND các cấp, tích cực quan tâm chỉ đạo, tác động đến công tác hoạch định các chính sách ở địa phương trong việc lồng ghép giới vào chương trình, kế hoạch phát triển của tỉnh gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu về thực hiện BĐG ở Phú Yên trong thời gian tới…

 

GIÁM ĐỐC QUỐC GIA APHEDA VIỆT NAM HOÀNG THỊ LỆ HẰNG: Bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực

 

Những năm qua, Việt Nam đạt những thành tựu lớn về BĐG, tuy nhiên khoảng cách giới tại Việt Nam vẫn còn khá lớn, bất BĐG vẫn còn tồn tại, phần lớn nghiêng về phụ nữ. Để đảm bảo BĐG thực chất và phát triển bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh việc lồng ghép giới trong hoạch định các chính sách. Đây được coi là giải pháp quan trọng để thực hiện BĐG của phụ nữ trên mọi lĩnh vực.

 

Mục tiêu của dự án Thúc đẩy BĐG và nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính mà APHEDA đang triển khai ở các tỉnh Phú Yên, Hải Dương, Bắc Cạn cũng không nằm ngoài mục đích đó. Dự án nhằm thúc đẩy BĐG và tăng cường vai trò đại diện của phụ nữ tham chính tại Việt Nam.

 

Triển khai từ tháng 8/2017-8/2021, dự án này nhằm góp phần nâng cao năng lực cho 677 nữ đại biểu HĐND các địa phương để thực hiện tốt hơn vai trò của phụ nữ tham chính. Đồng thời lồng ghép chỉ số chuyên sâu về giới vào kế hoạch hoạt động của UBND tỉnh; APHEDA và Hội Phụ nữ sẽ tham vấn với chính quyền cấp tỉnh tại địa phương và thúc đẩy kế hoạch hoạt động chi tiết về giới thông qua các hoạt động của dự án...

 

NGUYÊN GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KỲ: Phải thu hẹp khoảng cách về giới

 

Lồng ghép giới là một biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu BĐG, là quá trình đưa yếu tố giới vào chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây còn là cách thức đưa quan điểm BĐG vào mọi thiết chế, chính sách, chương trình, dự án đáp ứng nhu cầu giới đem lại lợi ích cho cả nam và nữ. Mỗi chính sách được ban hành tại địa phương dù không phân biệt về giới, thế nhưng trong thực tiễn cũng sẽ có những tác động riêng biệt lên mỗi giới do những khác biệt về mặt sinh học, điều kiện kinh tế - xã hội thực tế khác nhau giữa nam và nữ trong xã hội.

 

Chính vì thế, chúng ta cần phải bảo đảm yếu tố lồng ghép giới trong quá trình xây dựng chính sách để thu hẹp khoảng cách của hai giới, tiến tới BĐG thực chất, làm cho cả nam và nữ đều được hưởng thụ một cách bình đẳng từ các thành quả phát triển của xã hội.

 

Trong lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chúng ta luôn nhớ các điều sau. Một là thúc đẩy BĐG để khắc phục bất BĐG. Thứ hai là hỗ trợ để có những giải pháp kịp thời bảo đảm cho các nhóm yếu thế có quyền bình đẳng. Thứ ba là tham gia để làm sao tiếng nói của phụ nữ, Hội Phụ nữ cơ quan phản biện theo luật định đảm bảo lợi ích hai giới công bằng và cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện đúng quy định của pháp luật, năng cao năng lực, tăng cường sự phối hợp, tham gia. Thứ tư là đầu tư nguồn lực, bởi nếu chúng ta làm hết mọi điều nhưng cuối cùng nguồn lực, rồi con người và kinh phí chúng ta không có thì sẽ hạn chế quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật…

 

PHÓ CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LIÊN: Cần sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành

 

Thời quan qua, cùng với các cấp, các ngành, Hội LHPN Phú Yên đã góp phần tích cực trong các hoạt động thúc đẩy BĐG ở các lĩnh vực tham chính, lao động việc làm, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

 

Để thực hiện mục tiêu BĐG hiệu quả hơn, các cấp Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, góp phần tạo nguồn cán bộ nữ cho các cấp, các ngành; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, BĐG trong các tầng lớp phụ nữ, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, ven biển; mở các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ Hội…

 

Bên cạnh phối hợp với tổ chức APHEDA Việt Nam thực hiện dự án Thúc đẩy BĐG và nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính nhằm nâng cao năng lực cho nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, phấn đấu đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐG đến năm 2020 tại tỉnh, Tỉnh hội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, ngành và toàn xã hội để nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thay đổi nhận thức, hành vi về BĐG theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phối hợp đồng bộ trong việc rà soát, giới thiệu cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị để đưa vào quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm nữ lãnh đạo quản lý ở một số ngành có đông công chức, viên chức, lao động nữ.

 

Cùng với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá cụ thể theo Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia phân tích số liệu thống kê đầy đủ, tách bạch về giới trong các chỉ tiêu chiến lược quốc gia BĐG giai đoạn 2011-2020 của tỉnh để so sánh; đánh giá đúng sự khác biệt của mỗi giới và hiệu quả khi có sự tác động của chính sách đối với cơ hội, năng lực, điều kiện và thụ hưởng quyền, lợi ích của nam và nữ...

 

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT NGUYỄN THỊ NGỌC ÁI: Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục

 

BĐG trong giáo dục, đào tạo trước hết là bình đẳng về cơ hội trong giáo dục, đào tạo nhằm giúp cho nữ giới có kiến thức, có cơ hội, việc làm để khẳng định được vai trò của bản thân trong xã hội. Để lồng ghép giới đạt hiệu quả trong giáo dục đào tạo, phổ cập giáo dục các cấp cần tuyên truyền vận động các học sinh nữ ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số học hết THCS; thu hẹp khoảng cách giữa hai giới của sự chuyển tiếp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông lên đến cao đẳng, đại học, sau đại học.

 

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo từ Trung ương đến địa phương cần có kế hoạch về chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng địa phương phù hợp với nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực. Một trong những giải pháp lồng ghép giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo không thể không nhắc tới là nâng cao quyền năng của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, quản lý giáo dục để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm, bảo vệ…

 

Để cho các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ hiệu quả, cần thiết phải có bộ máy đủ hiệu lực, có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG cho các ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các phòng GD-ĐT, các trường học. Việc kiểm tra, giám sát cần tập trung vào công tác xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép giới ở đơn vị. Qua đó làm cho công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trở thành bộ phận gắn bó hữu cơ, không thể thiếu của các nhà trường, các cấp quản lý giáo dục.

 

NGỌC DUNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek