Thứ Năm, 03/10/2024 11:28 SA
Buôn làng rộn ràng đón tết
Thứ Hai, 23/01/2017 10:00 SA

Tết đến ở khắp buôn làng, các mí, các oi lạch cạch khung cửi dệt những bộ quần áo thổ cẩm vui xuân - Ảnh: MINH DUYÊN

Tết theo chân các mí, các oi xuống chợ mua sắm. Tết giục giã người con của núi rừng đi xa trở về bên gia đình. Những ngày này, ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh, không khí đón tết cổ truyền đã len lỏi khắp nơi. Ai ai cũng phấn khởi và kỳ vọng vào một năm mới với thắng lợi mới.

 

Về xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) những ngày giáp tết, chúng tôi gặp Ma Cường, người dân tộc Chăm Hroi ở thôn Hòn Ông, chuẩn bị cùng vợ xuống chợ mua đồ về làm lễ cúng đổ đầu. Ma Cường nói: Nhiều năm trước, kinh tế gia đình còn khó khăn, lễ cúng đổ đầu chỉ có gà, ché rượu và ít bánh nhưng năm nay làm ăn khá nên gia đình tôi mua đủ cả thịt trâu, bò, trầu cau, bánh tét... cho mâm cúng thêm đầy đặn.

 

Tại thôn Hà Rai ở xã Xuân Lãnh, các thôn Phú Tiến, Phú Giang ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), hay xã Sơn Phước, Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh)…, từ 25-30 tháng Chạp, đồng bào cũng nhộn nhịp xuống chợ mua đồ cho lễ cúng đổ đầu. Ông La Thanh Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phước, cho biết: Vào lễ cúng đổ đầu, con cháu của các gia đình đồng bào Chăm Hroi, dù đi học xa, đi làm ngoài tỉnh đều tập trung về nhà đầy đủ. Thực hiện nghi lễ, thầy cúng cắt tiết gà đổ vào rượu, sau khi khấn thần linh sẽ điểm chỉ lên đầu từng thành viên trong gia đình. Người nhỏ tuổi nhất sẽ được điểm chỉ đầu tiên, lần lượt cho tới người lớn tuổi nhất trong nhà. Thầy cúng tiếp tục nghi lễ này lên tất cả dụng cụ sản xuất như rựa, rìu, máy cày… và cuối cùng là đổ lên ngôi nhà của gia chủ. Người Chăm Hroi tin rằng qua một năm làm lụng vất vả, có đủ ăn, đủ mặc là nhờ cái đầu biết tính toán. Lễ đổ đầu là để tạ ơn Giàng (trời) và thần linh cho mình sáng cái đầu, mạnh đôi chân, khỏe đôi tay cùng với các dụng cụ lao động đã làm ra nhiều lúa, sắn, mía, tạo ra của cải, vật chất phục vụ cuộc sống ấm no…

 

Tới các buôn đồng bào Ê Đê ở xã Ea Lâm, Ea Bia, Ea Bá… của huyện Sông Hinh, ở xã Suối Trai, Ea Chà Rang, Krông Pa… của huyện Sơn Hòa, ngay từ tháng 12 dương lịch, từ xa đã nghe tiếng khung cửi mỗi lúc một rộn rã. Hiện tết của đồng bào Ê Đê không khác nhiều so với người Kinh, chỉ có nét riêng là bên mâm cỗ tết phải có ché rượu cần và người lớn tuổi vẫn có thói quen mặc trang phục dân tộc. Mí Then ngồi bên trái nhà, chân giữ cho chặt khung cửi, tay khéo léo đưa con thoi luồn từng sợi chỉ đan vào nhau, nói: “Càng gần tới tết, phụ nữ Ê Đê càng dành nhiều thời gian ngồi bên khung cửi, vì muốn dệt kịp bộ quần áo mới cho chồng con đón tết”.

 

Tại buôn Krông - buôn đồng bào Ê Đê ở xã Ea Bia, không khí đón xuân năm nay phấn khởi hơn trước vì buôn cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ma Tâm, Trưởng buôn Krông, cho biết: Xuân năm nay, 96 hộ đồng bào trong buôn có đường bê tông khang trang sạch sẽ để đi lại, 100% hộ có điện lưới, có nước hợp vệ sinh sử dụng… Hiện hơn 1,9km đường bê tông trong buôn đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng; trong đó, người dân đóng góp hơn 185 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ dân còn tự nguyện tham gia hàng trăm ngày công để tu sửa hơn 2km đường nội đồng.

 

Còn tết năm nay, 176 hộ đồng bào Tày, Nùng ở thôn Đá Mài, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) được no ấm hơn vì cả thôn đã vượt qua tình trạng đặc biệt khó khăn. Ông Đặng Ngọc Hồng, Trưởng thôn Đá Mài, cho biết: Được đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất nên đời sống của đồng bào trong thôn ngày một nâng cao. Từ 72 hộ nghèo và cận nghèo, sau 5 năm, đến nay, thôn chỉ còn 32 hộ thuộc diện này. Thu nhập bình quân của người dân cũng tăng từ 17 triệu đồng/người/năm lên 24 triệu đồng/người/năm. Thôn đã có công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ 150 hộ sử dụng nước sạch. Trên địa bàn thôn có nhà máy gạch tuynel, nhà máy chế biến gỗ và nhà máy đường ăn kiêng (thuộc Tổng Công ty Mía đường 2) hoạt động đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 130 lao động. Cái tết ấm cúng đầu tiên cho cả thôn cũng là cái tết hứa hẹn một năm mới phát triển.

 

Ở các điểm du lịch văn hóa cộng đồng như buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân)…, không khí tết ngập tràn trong sắc màu của những trang phục thổ cẩm, trong tiếng cồng chiêng vọng xa khắp đại ngàn và mùi rượu sắn, bắp thơm lừng từ các ché. Trong những ngày tết, đây sẽ là những điểm thu hút các vị khách phương xa tới Phú Yên du xuân. Theo Ban Dân tộc tỉnh, đường tới vùng dân tộc miền núi của tỉnh không còn khó khăn nữa, hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt như điện, nước… được quan tâm đầu tư. Sản xuất nông nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên canh gắn với các nhà máy chế biến; nhờ đó nông sản của đồng bào được thu mua tại chỗ, đời sống kinh tế cũng khá giả lên từng ngày. Hiện 3 huyện miền núi triển khai đề án Phát triển du lịch gắn với các danh thắng, di tích văn hóa đã được xếp hạng cùng nghề truyền thống của đồng bào…; hứa hẹn sẽ tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của vùng dân tộc miền núi của tỉnh thời gian tới.

 

BẠCH VÂN 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xuân mới nơi vùng cao
Thứ Bảy, 28/01/2017 18:00 CH
Ba Chúc hồi sinh diệu kỳ
Thứ Năm, 26/01/2017 15:00 CH
Xuân ấm áp đến với người nghèo
Thứ Tư, 25/01/2017 14:00 CH
Phố… cát
Thứ Tư, 25/01/2017 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek