Thứ Năm, 03/10/2024 05:27 SA
Ba Chúc hồi sinh diệu kỳ
Thứ Năm, 26/01/2017 15:00 CH

Một góc chợ ở Ba Chúc - Ảnh: BÙI THỤY ĐÀO NGUYÊN

Ba Chúc, cái tên khiến ai biết về địa phương này sẽ nghĩ ngay đến Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với những tín đồ áo đen hiền lành, chơn chất vẫn còn chưa nguôi nỗi đau 3.000 thường dân bị Pôn Pốt thảm sát năm 1978. Gần 40 năm trôi qua sau chiến tranh biên giới Tây Nam, Ba Chúc hồi sinh diệu kỳ nhờ sự chung tay nỗ lực của chính quyền và nhân dân thị trấn vùng biên huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

 

1. Thứ bảy, mới sáng sớm nhưng chợ trung tâm thị trấn đã khá nhộn nhịp, nhất là khu hàng ăn uống, làm những người lần đầu đến đây như chúng tôi không khỏi lấy làm lạ. Thì ra chợ chính là nơi phục vụ điểm tâm lớn nhất Ba Chúc và rất nhiều người tập trung về đây ăn sáng, uống cà phê khiến đoạn đường Ngô Lợi nơi chợ tọa lạc rộn rịp người. Ở các gian hàng nông sản, hải sản, đồ gia dụng, lưu niệm… hoạt động mua bán tấp nập. Đặc biệt, chúng tôi không hề bị hét giá dù là khách du lịch.

 

Anh Trần Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tri Tôn, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn, cho biết: Người dân Ba Chúc vốn chất phác, với 95% dân theo Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vốn luôn đặt chữ Hiếu lên hàng đầu. Địa phương là một điểm sáng về an ninh - trật tự xã hội vì trên địa bàn không xảy ra cướp bóc, rất ít tệ nạn, tình hình buôn lậu cũng ở mức độ rất thấp so với các vùng giáp biên khác. Một công dân “có vai vế” của thị trấn là anh Phan Thanh Nhàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tri Tôn, không giấu niềm phấn khởi xen lẫn tự hào: “Có được như vậy là nhờ công tác dân vận chính quyền được triển khai đến từng cán bộ đảng viên”. Anh Nhàn cho biết thêm, cơ sở hạ tầng của thị trấn đã phục vụ được nhu cầu cơ bản của nhân dân với hệ thống điện, đường giao thông và 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay, thị trấn đã có Trường THPT Ba Chúc với tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua, nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. “Người có công đưa mô hình giáo dục mới vào trường THPT giúp tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt con số ấn tượng chính là GS.TS, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu thế giới về cây lúa - một người con của Ba Chúc”. Hai anh cùng khẳng định: Thị trấn có nhiều tiềm năng du lịch và địa phương đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư. Trước mắt, chính quyền tập trung đầu tư phát triển điểm du lịch Nhà mồ Ba Chúc, nơi ghi dấu hậu quả đau thương của chiến tranh.

 

2. Hầu hết các đoàn xe đưa khách du lịch lẫn khách hành hương khi đến thị trấn đều không về các nhà nghỉ mà chung “trạm dừng” là Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ hài cốt hơn 1.150 người trong số nạn nhân bị Pôn Pốt tàn sát năm 1978. Trong những chiếc tủ kính chạy quanh tường nhà mồ, hài cốt của các nạn nhân được phân theo giới tính và độ tuổi. Nơi đây, hầu như ngày nào khách thập phương cũng đến cúng tế, đồ dâng cúng được chia từng đĩa, chén nhỏ, bày la liệt. Không gian trầm mặc khói hương, lâm râm lời khấn niệm.

 

Bà Tư Nga, nhân chứng sống vụ Pôn Pốt thảm sát tại Ba Chúc năm 1978 - Ảnh: HOÀNG QUYÊN

 

Không xa đó, trong quán nước nhỏ nép mình dưới chân núi Tượng, một bà lão có cái nhìn đau đáu, đơn độc, ngày qua ngày lo hương khói cho nấm mồ tập thể - bà Hà Thị Nga (tên thường gọi bà Tư) - nhân chứng sống của vụ thảm sát năm xưa. Câu chuyện qua lời kể của bà Tư như mới diễn ra hôm qua khiến bất kỳ ai nghe cũng phải rùng mình. Chồng, con, anh chị em, họ hàng có đến trăm người ra đi trước mắt bà. Sau những ngày kinh hoàng, người phụ nữ mà trên thế giới này có lẽ ít ai có hoàn cảnh tương tự vẫn sống can trường ở nơi cả gia đình mình đã ngã xuống. Suốt mấy mươi năm sau đó, bà vẫn thế, bám trụ trên mảnh đất này để ngày ngày kể cho các thế hệ sau nghe về tội ác của Pôn Pốt.

 

Khi chúng tôi hỏi nếu được quyền phán xét, bà sẽ xử tội những kẻ đã tàn sát gia đình mình như thế nào. Bà lão lặng vài giây rồi nói: “Người ta đã xử rồi mà. Mà xử gì, trả thù gì. Người nào làm người đó sẽ lãnh hậu quả, chứ giờ có xử gì đi nữa thì chồng con, anh em tui cũng đâu thể trở về”. Trời không gió mà giọng bà nghe bạt đi trong nỗi đau thương mất mát không bao giờ cũ.

 

3. Cạnh khu di tích là chùa Tam Bửu, Tổ đình của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo nội sinh do Ngô Lợi sáng lập năm 1867, đến nay có hơn 95% dân địa phương là tín đồ. Gọi là chùa nhưng tại các cơ sở thờ tự của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không thấy bóng dáng nhà sư, mà chỉ có ông/bà từ cùng các vị chức sắc, chức việc áo đen lo sự vụ, và dễ nhận biết nhờ biểu tượng chiếc hồ lô ba ngấn đặt ở vị trí cao nhất. Giải thích về 4 chữ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ông Nguyễn Hữu Trạc, người chấp bút hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận tôn giáo cho đạo này, cho biết: “Tứ Ân là ân trời - đất - cha - mẹ, theo đó 2 chữ Hiếu - Nghĩa được đặt lên hàng đầu trong mọi suy nghĩ, hành động của tín đồ, được cụ thể hóa bằng “Thập nhị lệ sự” (12 việc phải làm)”.

 

Chưa thấy tôn giáo nào mà việc thờ cúng phong phú như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tại nhà tín đồ có ít nhất 10 ban thờ, trong khi các chùa, đình có đến hơn 20 ban thờ các vị Phật, Thánh, Đức Bổn sư Ngô Lợi, cửu huyền thất tổ… Đặc biệt, có cả ban thờ vua Hàm Nghi, vua Minh Mạng, Bác Hồ và Bác Tôn. Có lẽ việc thờ cúng với nhiều nghi lễ phức tạp cùng với giáo điều khắt khe khiến tín đồ theo đạo không dành nhiều thời gian để phát triển kinh tế cho nên nhịp sống nơi đây khá tĩnh lặng. Khác hẳn với người Tây Nam Bộ, dân Ba Chúc không kết cái tình bên chén rượu, mà đó là cả tấm lòng chân chất dành cho nhau.

 

Tạm biệt Ba Chúc, chúng tôi mang theo niềm tin được gieo mầm từ hai anh cán bộ Huyện ủy Tri Tôn cùng các chức sắc Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và những gì đã “mục sở thị”, rằng thị trấn yên bình này sẽ có những bước phát triển bền vững về mọi lĩnh vực trong tương lai gần. Quá khứ đau thương sẽ ngủ yên cho sự sống hồi sinh.

 

HOÀNG QUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xuân mới nơi vùng cao
Thứ Bảy, 28/01/2017 18:00 CH
Xuân ấm áp đến với người nghèo
Thứ Tư, 25/01/2017 14:00 CH
Phố… cát
Thứ Tư, 25/01/2017 11:00 SA
Mang xuân đến với người nghèo
Thứ Sáu, 20/01/2017 08:52 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek