Mưa đông sụt sùi rồi cũng qua. Đã nghe gió xuân khe khẽ vòm lá vườn nhà. Má ra ngoài hiên hóng nắng mai. Vài luống hoa vạn thọ đã bung nụ khoe sắc vàng. Làng nhộn nhịp hẳn. Chẳng còn đâu cát bay, cát nhảy…
Má tôi bảo: Từ ngày “làng cát” lên phố, “phố cát” này như thay áo mới. Đường quang, ngõ sạch, sạch đến nỗi xe máy chạy không... lấm cát. Các khu phố Phú Thọ, Phú Thọ 1... (Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) ngày càng sầm uất, nhà nhà chen xô mặt phố. Mỗi độ xuân về, làng lại càng đông vui hơn. Chị bạn đồng nghiệp tôi đi làm xa nhưng nay liên tục về làng. Chị trần tình, quê mình giờ văn minh rồi. Không gian phố như “níu” gần với trung tâm đô thị Tuy Hòa. Không biết bao nhiêu mùa trăng tròn rồi, chị ở xa, tá túc trong căn phòng thuê chật chội, bức bách, lắm tiếng ồn từ đám sinh viên ở trọ. Nay, chị quyết định không ở trọ nữa, mỗi ngày đi về nhà hơn 60 cây số. Tết này, chị cũng sửa sang lại nhà cửa khang trang, hiện đại cho bằng chị bằng em, bằng bà con láng giềng...
Biển lấp lóa. Nắng xuân rây hạt “phố cát”. Má hong lưới, thong thả vá những mắc lưới rách nát. Cuộc sống khá giả, thanh nhiên đi làm khu công nghiệp, làm chủ con tàu vươn khơi xa. Còn những người luống tuổi như má, như chú Tư, bác Bảy... thì trông nom nhà cửa, thêu thùa, vá lưới, vui thú điền viên, bầu bạn cùng chim muông... Người của… phố mà! Má kể cho sắp nhỏ nghe: Ngày trước, xóm Rẫy (thôn Phú Hòa, thị trấn Hòa Hiệp Trung) chỉ có vài mươi ngôi nhà tranh vách liếp liêu xiêu trên dải cát nóng bỏng; bà con chỉ trồng được dây bầu bí, cây sắn. Vậy nên lâu rồi người đời có câu:
Xóm Rẫy còi ăn hũ mắm dòi
Có ba bông bí cũng đòi đi phiên...
Còn dân “lò kho cá” ở đây cũng vất vả lắm. Bà con ba chòm xóm chuyên làm cá ồ trụng để chạy chợ bán. Làm riết rồi gọi dân lò 1, lò 2, lò 3. Thời hoàng kim cá ồ trụng rồi cũng ế ẩm và “đóng kho”! Bà con phát triển nghề cá hiện đại, xuất khẩu hải sản đông lạnh doanh thu cao...
Giờ thì cái tên “dân lò” mai một dần và “ba lò” thành ba khu phố. Ở đây, phố xá sạch đẹp. Thời mở cửa, thời “quy hoạch chia lô” đang lên ngôi ở thị trấn Hòa Hiệp Trung. Giờ tan trường, học sinh tiểu học túa ra đông đúc, hớn hở chờ ba mẹ đón về. Phía xa, cả ngàn công nhân tan ca, rời phân xưởng trong khu công nghiệp để đi ăn. Đa số nam nữ thanh niên khỏe trẻ ở đây vào làm việc trong khu công nghiệp. Nhịp sống công nghiệp đang thật sự hiện hữu nơi “làng cát”! Xe cộ qua lại ầm ào trên những con đường bê tông thẳng tắp; nhà cao tầng mọc lên san sát, có cả những biệt thự sang trọng; những ngôi trường bề thế để “vun trồng” cả ngàn học sinh… Xóm Rẫy nổi tiếng là đất học với nhiều, rất nhiều cử nhân, kỹ sư, tiến sĩ...
Những người dân “ba lò” mặn mà biển cả đã hun đúc tinh thần hiếu học của thế hệ trẻ; đột phá phát triển một “thương cảng” trên bến dưới thuyền tấp nập buôn bán cá tươi nổi tiếng, thu hút hàng chục doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu, thành lập trại cá... Dân phố quê tôi đang dày công dựng xây “phố cát” ngày càng giàu đẹp! Xuân sang, người người háo hức với những hội làng “phố cát”!
ĐÔNG NHI