Thứ Bảy, 05/10/2024 18:10 CH
Pokemon Go: Trò chơi ảo, nỗi lo thật
Thứ Sáu, 16/09/2016 10:02 SA

Người chơi Pokemon Go đến trạm pokestop đặt tại chùa Bảo Lâm để lấy bóng và vật phẩm bắt pokemon - Ảnh: HÀ MY

Du nhập vào Việt Nam chưa lâu, nhưng Pokemon Go - một trò chơi điện tử cho phép người dùng sử dụng smartphone và bản đồ định vị GPS để săn các con thú ảo (Pokemon) - đã thu hút hàng triệu người chơi, trong đó có không ít bạn trẻ của Phú Yên. Bị cuốn vào cuộc đua săn pokemon, nhiều người chơi đã “ngó lơ” đời sống thực tại, gây nên mối lo về mất an toàn cho bản thân và xã hội.

 

“Đốt” thời gian vào Pokemon Go

 

Trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do người chơi mải mê săn bắt pokemon, không cẩn thận khi đang di chuyển ngoài đường. Gần đây nhất, một cô gái người Campuchia bị ô tô tông tử vong khi đang cắm cúi bắt pokemon ngay giữa đường phố đông đúc. Trước đó, một tài xế Nhật Bản vô tình đâm chết một phụ nữ và làm bị thương hai người khác do mải chơi Pokemon Go trong lúc lái xe. Tại Mỹ có ít nhất 4 thanh niên tử vong vànhiều người khác bị thương do gặp tai nạn hoặc bị bắn chết trong lúc chơi Pokemon Go. Ngoài những tai nạn do lỗi bất cẩn, nhiều người chơi Pokemon Go cũng đã bị kẻ xấu cướp giật điện thoại.

Chúng tôi đến chùa Bảo Lâm (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), địa điểm duy nhất tại Phú Yên mà nhà sản xuất game Pokemon Go đặt pokestop - trạm dừng chân để người chơi kiếm thêm các vật phẩm chơi pokemon và gia tăng trình độ. 13 giờ, giữa cái nắng oi ả, một nhóm game thủ tập trung tại một góc khuôn viên chùa, “chúi mắt” vào điện thoại để “quay” nhận pokeball (bóng bắn pokemon), trứng (để ấp thành pokemon), revive và potion (thuốc hồi sinh pokemon)... Theo các sư thầy ở chùa, từ đầu tháng 8 đến nay, ngày nào cũng có các thanh thiếu niên đến chùa ngồi “ôm” điện thoại từ sáng tới chiều. Vào các ngày nghỉ, số lượng đông hơn, khoảng chừng gần 20 người. Ngoài phần lớn là học sinh, sinh viên còn có những người đi làm.

 

Nguyễn Văn T, sinh viên năm 3, Trường đại học Xây dựng Miền Trung, ngày nào cũng đến trạm pokestop đặt tại chùa Bảo Lâm để “quay” nhận các vật phẩm chơi Pokemon Go. Theo T, muốn bắt một con pokemon, có khi cần đến 20 pokeball. Ngoài dùng tiền để mua pokeball tại Pokemon Shop (20.000 đồng mua được 100 pokeball) hoặc mua qua trung gian, thì người chơi có thể đến nơi đặt trạm pokestop để lấy pokeball và các vật phẩm khác miễn phí. Tuy nhiên, việc này mất nhiều thời gian vì số lượng pokeball mỗi lần lấy được rất hạn chế nên phải thực hiện thao tác “quay” nhiều lần. Ước tính, một giờ đồng hồ, người chơi “quay” được khoảng 30-50 pokeball. “Buổi tối là khoảng thời gian các nhà mạng thường thả một số lượng pokemon lớn. Cho nên, tôi dành thời gian rảnh ban ngày đến trạm pokestop đặt tại chùa Bảo Lâm lấy các vật phẩm, để tối có bóng đi bắt pokemon. Chơi trò này tuy vui nhưng hơi tốn thời gian và công sức, vì phải di chuyển nhiều. Lúc mới chơi, tôi hay la cà trên đường để dò thử nơi nào có pokemon. Bây giờ thì có thể khoanh vùng được một vài địa điểm quen thường xuất hiện pokemon”, T cho biết.

 

Là một trong những người chơi Pokemon Go từ những ngày đầu trò chơi này phát hành ở Việt Nam vào đầu tháng 8/2016, bạn Trần Thanh Th (phường 4, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi thích chơi Pokemon Go hơn các game khác vì trò chơi này thực ảo lẫn vào nhau, tạo cảm giác thú vị. Những con pokemon ẩn nấp nhiều nơi trong đời thực. Tôi từng bắt nhiều con pokemon đậu trên chiếc lá, trên thành cầu, trong nhà vệ sinh, thậm chí, trong nồi lẩu và cả trên đôi dép đặt trong nhà… Cứ mỗi lần phát hiện có pokemon ở gần, điện thoại sẽ rung lên. Nhiều khi, tôi đang di chuyển trên đường thì điện thoại rung lên, như một quán tính, tôi lập tức móc túi lấy điện thoại ra dò bắt pokemon. Có hôm, đang ăn với bạn ở quán, điện thoại rung lên báo có pokemon, tôi phải bỏ ngang chén cháo đang ăn để bắt ngay kẻo mất”. Cũng theo một số người chơi Pokemon Go, mặc dù biết có những hệ lụy từ trò chơi đem lại như tai nạn, cướp giật, mất thời gian, tiền bạc… nhưng sức hấp dẫn của nó khiến nhiều người khó cưỡng.

 

Cũng như những game online khác, chơi Pokemon Go muốn vui, người chơi cần có nhiều bạn chơi cùng để tăng thêm sự hào hứng. Vì vậy, nhiều thanh thiếu niên tại Phú Yên “ghiền” Pokemon Go đã thành lập các trang facebook: Pokemon Go Phú Yên, Pokemon Go Đông Hòa, Pokemon Go Phú Yên Trainer… để chia sẻ hình ảnh, kinh nghiệm chơi cũng như khoe “chiến tích” pokemon mà mình bắt được. Số lượng thành viên của trang facebook Pokemon Go Phú Yên lên đến gần 1.000 thành viên.

 

Một người chơi Pokemon Go vừa di chuyển trên đường vừa bắt pokemon - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Không nên để Pokemon GO xáo trộn cuộc sống

 

Theo ghi nhận của phóng viên, số lượng người thực chơi Pokemon Go tại Phú Yên không đông đảo như các tỉnh, thành khác trong nước. Bởi lẽ, toàn tỉnh chỉ có một điểm đặt trạm pokestop để kiếm các vật phẩm chơi pokemon và chưa có phòng GYM huấn luyện pokemon chiến đấu. Thêm vào đó, số lượng và chủng loại pokemon được thả ra còn hạn chế. Cho nên, các game thủ chưa tận hưởng được tất cả các trải nghiệm và tính năng của Pokemon Go. “Nhà sản xuất Pokemon Go - Niantic Labs cho biết, tháng 10 tới, Pokemon Go sẽ có thêm nhiều tính năng mới, các trạm pokestop và điểm GYM cũng sẽ được phân bố rộng rãi hơn ở các địa phương. Cho nên, số lượng người chơi Pokemon Go tại Phú Yên chắc chắn sẽ tăng lên”, một tài khoản có tên Minh Quyền, chia sẻ trên trang facebook Pokemon Go Phú Yên.

 

Trong khi chỉ có những người chơi mới thấy được sự thú vị mà trò chơi Pokemon Go mang lại, thì cả cộng đồng đang thấp thỏm nỗi lo về những nguy cơ và tác hại mà trò chơi này tạo ra. Anh Phan Văn Tỵ ở phường 6, TP Tuy Hòa, có con trai học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ, chia sẻ: “Tôi thay điện thoại mới, cho con trai điện thoại cảm ứng cũ để cháu chủ động liên lạc với gia đình đưa đón đi học và truy cập internet tìm các thông tin phục vụ việc học. Nhưng hơn một tháng qua, tôi thấy cháu từ sáng đến tối, lúc nào cũng ôm điện thoại khư khư, nói là bắt pokemon gì đó. Có hôm, đang trên đường đi học tiếng Anh, cháu kêu tôi dừng xe đột ngột giữa đường để bắt pokemon. Năm học này là năm học quyết định tương lai của cháu nên gia đình tôi không muốn cháu vì mê tròchơi điện tử màxao nhãng việc học. Cho nên, tôi đã“tịch thu” điện thoại và khuyên cháu không nên chơi pokemon nữa mà dành thời gian vào việc học và nghỉ ngơi”.

 

Theo ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Phú Yên, nếu chỉ chơi Pokemon Go để giải trí thì không có gì phải bàn. Tuy nhiên, một số người chơi “nghiện” Pokemon Go, dùng toàn bộ thời gian rảnh để “lùng sục” bắt pokemon, hao tốn năng lượng, thiếu thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức lực. Ngoài ra, để chơi được Pokemon Go, điện thoại cần kết nối internet qua 3G, thậm chí, một số trường hợp người chơi phải tốn tiền mua pokeball và một số vật phẩm khác… Đó là chưa kể có những trường hợp tham gia giao thông nhưng “chúi mắt chúi mũi” vào màn hình điện thoại để chơi game, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Một số người vì quá mải mê chơi Pokemon Go, đi vào các điểm vắng vẻ, thiếu cảnh giác, tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật thực hiện hành vi phạm pháp... “Do có sự tương tác giữa thế giới ảo và thực tế nên người chơi cảm thấy phấn khích và mải mê tìm kiếm pokemon. Tuy nhiên, người chơi chỉ nên xem Pokemon Go là một trò chơi giải trí, không quá sa đà, biết phân bổ thời gian hợp lý để có thể chơi game màvẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và sự an toàn của bản thân và mọi người”, ông Khánh khuyến cáo.

 

Trước những hệ lụy ngày càng tăng của Pokemon Go, chính quyền các nước đã bắt đầu có hành động cụ thể. Tại Đông Nam Á, Indonesia ra lệnh cấm cảnh sát, binh sĩ không được chơi Pokemon Go khi đang làm nhiệm vụ, ca trực. Nhằm ngăn không cho người dân tùy tiện đi vào các khu vực nhạy cảm như chùa, đền thờ, bệnh viện... chính phủ Thái Lan cũng đã ra lệnh cấm cũng như xem xét lại việc phát hành game Pokemon Go tại đây. Tại Trung Đông, Iran đã mạnh tay hơn khi cấm cửa game này vì lý do an ninh. Tuy không ở phạm vi quốc gia, nhưng ở Mỹ cũng xuất hiện những lệnh cấm liên quan tới Pokemon Go.

 

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông ra thông cáo gửi đến các cơ quan báo chí để tuyên truyền, khuyến nghị người chơi tuân thủ các nguyên tắc: người chơi nên bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên điện thoại; tránh cài đặt phải những ứng dụng giả và lừa đảo của Pokemon Go; không chơi khi đang tham gia giao thông; không chơi ở các khu vực nguy hiểm, gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm…

 

Chính quyền nhiều địa phương trong nước và các đơn vị trong lực lượng vũ trang yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, chiến sĩ trong lực lượng… không chơi trò chơi Pokemon Go tại cơ quan, đơn vị, chơi Pokemon Go khi tham gia giao thông và ở các khu vực nguy hiểm… Tại Phú Yên, UBND tỉnh vừa cócông văn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không chơi Pokemon Go tại cơ quan, đơn vị.

 

HÀ MY - THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek