Thứ Bảy, 05/10/2024 18:19 CH
Thực hiện Chỉ thị 30/CT-TW: Quyền làm chủ của người dân được phát huy
Thứ Sáu, 16/09/2016 08:43 SA

Người dân xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) xem các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại xã - Ảnh: THÙY THẢO

Thời gian qua, Chỉ thị 30/CT-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai tương đối đồng bộ, rộng rãi trong toàn tỉnh, được cán bộ, công chức, người lao động, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Quy chế hợp lòng dân

 

Đến bộ phận “một cửa” xã Hòa Trị, một trong những địa phương đông dân nhất của huyện Phú Hòa, có thể thấy người dân được cán bộ, công chức tư vấn hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính rất tận tình; các thủ tục niêm yết công khai minh bạch, dễ dàng tìm hiểu. Ông Phạm Đình Mênh (thôn Quy Hậu) cho biết: “Việc tiếp công dân hàng ngày của cán bộ, công chức ở xã diễn ra rất vui vẻ, gần gũi. Bà xã tôi mất giấy khai sinh cần làm lại, đến xã làm một buổi là xong, chẳng phải tốn kém gì. Còn việc xây dựng nông thôn mới, nhất là làm các tuyến đường bê tông hiện nay, nhờ người dân được giao quyền giám sát nên thời gian hoàn thành và chất lượng được đảm bảo”. Còn theo ông Nguyễn Phụng, Chủ tịch UBND xã Hòa Trị, quy chế dân chủ ở cơ sở được xã chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất nghiêm túc. “Tất cả thủ tục hành chính được niêm yết rõ ràng, đầy đủ tại trụ sở xã để công dân, tổ chức biết giám sát và thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Những việc làm này rất hợp lòng dân”, ông Phụng chia sẻ.

 

Không chỉ ở Hòa Trị mà hiện 112 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tại bộ phận “một cửa”, các thủ tục hành chính liên quan đến các tổ chức, cá nhân đều được niêm yết công khai, cụ thể, đặt nơi thuận lợi để người dân dễ dàng tìm hiểu. Bên cạnh đó, 100% các xã, phường, thị trấn đều có Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân để giám sát các công trình, dự án, các công trình phúc lợi xã hội; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, của cán bộ công chức… Đồng chí Lương Mộng Sanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nói: “Thời gian qua, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở đã thể hiện được vai trò trong việc phát hiện những vi phạm của các nhà thầu đối với các công trình, dự án và có văn bản đề nghị nhà thầu khắc phục. Đồng thời động viên nhân dân tham gia giám sát các công trình phúc lợi địa phương; việc chấp hành chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp có thẩm quyền, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh. Qua đó vừa thể hiện sự dân chủ vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

 

Theo đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thực hiện Chỉ thị 30/CT-TW của Bộ Chính trị và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch để hướng dẫn triển khai rốt ráo, quyết liệt. Nhìn chung, quy chế thực hiện dân chủ ở 3 loại hình cơ sở trên địa bàn tỉnh triển khai tương đối kịp thời, được cán bộ, công chức, người lao động, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Tiếp tục phát huy vai trò của người dân

 

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 30, các cấp chính quyền đã tổ chức công khai các thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển, các biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, quy hoạch sử dụng đất, vay vốn xóa đói giảm nghèo, thu chi ngân sách và các khoản đóng góp của dân thông qua hội nghị đại biểu nhân dân để cùng tham gia góp ý trước khi có nghị quyết. Ông Huỳnh Tấn Công ở xã An Hải (huyện Tuy An), cho biết: “Ngoài hình thức niêm yết công khai theo quy định tại xã, UBND xã còn công khai thông báo trên đài truyền thanh, họp dân trực tiếp để lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp, Luật Đất đai; việc thu phí kênh mương, hỗ trợ tiền lúa nước; chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Qua đó, xã sẽ có nhiều quyết sách phù hợp với công tác điều hành, chỉ đạo. Còn người dân thì thấy hài lòng và cùng nhau chuyên tâm xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động xã hội”.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà, thực hiện quy chế dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng đổi mới thôn, buôn, khu phố, tạo điều kiện chăm lo đời sống, giữ gìn an ninh trật tự ở cộng đồng dân cư. Nhiều địa phương đã huy động nhân dân đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng các công trình điện, trường học, trạm xá, kênh mương, bê tông hóa hẻm phố, giao thông nông thôn. Tổng trị giá các công trình lên tới hàng trăm tỉ đồng với hàng trăm ngàn ngày công lao động. Thường xuyên đổi mới phương thức điều hành và lề lối làm việc của chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân được xác định rõ ràng, quyền làm chủ của nhân dân thực sự được phát huy, giảm bớt tệ nạn quan liêu, tham nhũng, mệnh lệnh, cửa quyền của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn một số mặt cần khắc phục. Đó là, nhận thức về dân chủ nhiều nơi còn có phần hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế dân chủ; sự hiểu biết về dân chủ và pháp luật nói chung chưa đầy đủ, năng lực kiểm tra, giám sát của nhân dân còn hạn chế, có trường hợp lợi dụng dân chủ gây rối trật tự, coi thường kỷ cương phép nước.

 

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, người dân là trọng tâm của quá trình phát triển, là “khách hàng” với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của Nhà nước và chính quyền các cấp. Đồng thời đồng hành cùng Nhà nước trên bước đường xây dựng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Theo khảo sát về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Phú Yên thì thời gian qua, tỉnh rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, còn nhiều chỉ số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn thấp điểm so với các tỉnh, thành phố khác, trong đó có chỉ số về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Chính vì vậy, trong thời gian đến, tỉnh cần tìm hiểu kỹ những vấn đề dân chưa hài lòng và dành ưu tiên giải quyết những vấn đề đó.

 

PHONG NHà

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek