Thứ Hai, 14/10/2024 02:22 SA
Cần lắm những nữ hộ sinh thôn bản
Thứ Sáu, 27/05/2016 11:00 SA

Chị Ra Lan Thị Hương, cộng tác viên dân số thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2) đang tư vấn chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong thôn - Ảnh: T.DIỆU

Lặng lẽ, tận tụy với công việc, những nữ hộ sinh thôn bản giàu nhiệt huyết đã góp phần chăm sóc hiệu quả sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

 

TỚI TẬN NHÀ TUYÊN TRUYỀN

 

Theo chân Ra Lan Thị Hương, cộng tác viên dân số thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), chúng tôi đến nhà chị So Thị Kim Nhung, 26 tuổi, đang mang thai. Thấy chúng tôi, chị Nhung không hề ngạc nhiên mà niềm nở hỏi: “Cán bộ dân số tới nhà thông báo điều gì à?”. Chị Hương nói: “Nhung có còn mang bụng bầu đi cắt cỏ bò không đấy”. Cuộc nói chuyện nhanh chóng trở nên gần gũi.

 

Chị Nhung chia sẻ: “Từ ngày có em bé, nghe lời chị Hương khuyên nên tôi hạn chế đi cắt cỏ bò hay làm rẫy để bảo vệ con. Tôi cũng không quên đi khám thai định kỳvàuống viên sắt bổ máu”.

 

Hiện nay, phần lớn phụ nữ trên địa bàn xã Xuân Quang 2 đều tìm đến dịch vụ chăm sóc thai sản, nhất là tích cực tham gia chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Ý thức giữ gìn SKSS đối với phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số trong xã cũng tăng lên đáng kể. “Tôi vừa là nữ hộ sinh vừa làm cộng tác viên dân số, kiêm công tác phụ nữ. Cho nên tôi có điều kiện để vận động chị em chăm sóc SKSS ở bất cứ đâu, ngay tại nhà, trạm y tế xã, nhà rông văn hóa, thậm chí ở ngoài rẫy”, chị Hương cho biết thêm.

 

Nay Hờ Ni, nữ nhân viên y tế thôn bản mới chỉ 20 tuổi xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), cũng là một tấm gương vượt khó, sâu sát với công việc và được chị em tin tưởng. Hôm chúng tôi đến, Hờ Ni đang hướng dẫn cách chăm sóc SKSS và thực hiện dịch vụ y tế tại nhà chị Ksor H’Dưng ở buôn Chao. Hờ Ni sử dụng cân đo trẻ em để kiểm tra cân nặng của con gái chị H’Dưng. Trong câu chuyện, HờNi tuyên truyền việc mắc màn trước khi ngủ để tránh sốt xuất huyết và tư vấn dinh dưỡng cho bàmẹ đang mang thai. Chị Ksor H’Dưng chia sẻ: “Hờ Ni trẻ tuổi mà nhiệt tình lắm. Hờ Ni còn có kiến thức y tế nữa, mình hỏi cái gì Hờ Ni cũng giải thích rõ ràng. Phụnữngười Ê Đê trong buôn ai cũng tin yêu Hờ Ni”. Còn cô y tá trẻ Hờ Ni thì tâm tình: “Công việc của mình chủ yếu là tuyên truyền vận động nên thường xuyên phải tới nhà người dân trong buôn, trong xã. Nhiều lúc, mình phải cất công lên tận rẫy để thông báo, gọi họvề trong những đợt tiêm chủng hay có dịch vụ y tế công cộng”.

 

Theo y sĩ Phạm Đức Hậu, Phó Bí thư Chi bộ Trạm Y tế xã Ea Bá, ở xãmiền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ea Bá, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản rất quan trọng, nhất là trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Những phần việc liên quan đến tuyên truyền giáo dục sức khỏe trong cộng đồng như: vận động, cung cấp thông tin, tư vấn về công tác DS/KHHGĐ hoặc sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường tại cộng đồng… cũng cần đến họ.

 

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH Y TẾ THÔN BẢN

 

Ở các buôn làng của các huyện miền núi, giờ đây, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số đãđược hỗ trợ chăm sóc SKSS ban đầu nhờ có những nhân viên y tế đã qua đào tạo chuyên môn từ các lớp học dành cho y tế thôn bản, nói ngôn ngữ của đồng bào vàtận tâm trong công việc.

 

Nay Hờ Ni chia sẻ thêm: “Từ nhỏ, bà mình thường kể những câu chuyện về phụ nữ trong buôn làng. Qua câu chuyện của bà, mình biết phụ nữ người Ê Đê khổ lắm! Họ thường cưới chồng sớm, sinh con sớm và sinh nhiều con. Thêm vào đó, họ chẳng mấy quan tâm đến SKSS, chủ yếu là làm theo thói quen, theo các tập tục lạc hậu. Vì vậy, ở đây vẫn còn rất nhiều đứa trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng. Chính những điều này đã hun đúc trong mình ước mơ được theo đuổi nghề y để giúp đỡ mọi người”.

 

Còn nữ y tá Ra Lan Thị Hương kể về một kỷ niệm khó quên: “Có chị mang bầu đến nửa năm, đi làm tận núi cao ở luôn trên đó không về. Tôi và cán bộ thôn lên tận nơi để thăm hỏi, vận động về chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, chị ta còn lý luận: “Hồi xưa chiến tranh, người ta sinh con trên núi cũng có sao đâu!”. Tôi và mọi người phải nói chuyện, giải thích, thuyết phục mãi chị ấy mới chịu nghe”. Ngoài ra, trong lúc trò chuyện với chị Ra Lan Thị Hương, chúng tôi nhận thấy phụ nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi vẫn còn nhiều bất cẩn trong chăm sóc SKSS như: không kịp tới trạm xá mà bị “đẻ rớt”, sinh con thứ 3 không dám đến trạm xá, mang thai không đi khám sức khỏe thai sản định kỳ… Do đó, việc đào tạo, bổ sung nhân viên y tế thôn bản là rất cần thiết để phục vụ công tác chăm sóc SKSS của người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

 

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 07 về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản, trong đó có quy định về chương trình đào tạo chuẩn hóa đội ngũ này. Đây là chiến lược đầu tư hiệu quả chính sách y tế cộng đồng chi phí thấp, nhưng hiệu quả cao. Điều thuận lợi là các nhân viên y tế thôn bản sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tư vấn, thuyết phục những phụ nữ trong buôn có thai đi khám định kỳ và sinh con tại cơ sở y tế; phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của thai phụ để chuyển lên tuyến trên đúng lúc, kịp thời; biết đỡ đẻ sạch và an toàn. Phú Yên cũng đã tổ chức đào tạo 2 lớp nữ y tế thôn bản và sẽ tiếp tục chương trình đào tạo trong thời gian tới.

 

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên

DIỆU ANH

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek