Chiến tranh đã đi qua 41 năm, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại còn rất nặng nề, gây nên những nỗi đau dai dẳng, những bất hạnh, thương đau cả về thể xác và tinh thần đối với nhiều nạn nhân và nhiều gia đình. Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải xuống địa bàn Phú Yên hơn 1 triệu lít chất diệt cỏ chiến thuật, trong đó hơn 880.000 lít chất da cam. Không những người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm mà hàng vạn người dân Phú Yên cũng đã bị phơi nhiễm cùng con cháu của họ. Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/dioxin) phải mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, hàng ngày, họ phải sống với tật nguyền trong đau khổ, mặc cảm với xã hội, cuộc sống hết sức khó khăn. Xoa dịu “nỗi đau da cam” là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Trong 5 năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm làm cho cộng đồng hiểu rõ hơn về tác hại của chất độc da cam; phản ánh thực trạng đời sống kinh tế, tình hình sức khỏe, bệnh tật của các nạn nhân. Hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương vận động cộng đồng, doanh nghiệp có nhiều nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ cả tinh thần, vật chất giúp các gia đình nạn nhân thông qua các phong trào như quyên góp ủng hộ Quỹ NNCĐDC/dioxin trên 13 tỉ đồng; xây nhà Tình nghĩa; cho vay vốn phát triển sản xuất; xúc tiến các dự án giải quyết việc làm cho con em nạn nhân chất độc da cam. Bên cạnh đó, Hội cũng tư vấn cho nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin làm thủ tục kê khai để được giám định, công nhận là NNCĐDC/dioxin; thường xuyên nắm tình hình, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ, phát hiện sớm các trường hợp còn vướng mắc để có ý kiến phản ánh với các cơ quan chức năng kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân.
UBND tỉnh biểu dương và ghi nhận những kết quả và việc làm của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh và các cấp hội trong việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoa dịu nỗi đau, bước đầu mang lại cuộc sống ấm no về vật chất, vui vẻ về tinh thần, tạo điều kiện cho NNCĐDC/dioxin cũng như gia đình có điều kiện hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống .
Ông Nguyễn Việt Khanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, bàn giao nhà Tình thương cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa - Ảnh: PV |
Trong thời gian đến, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua vì NNCĐDC/dioxin, đề nghị các cấp Hội trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Quyết định 651/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Hai là, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, hướng về cơ sở, nhất là vùng gặp nhiều khó khăn. Đồng thời vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo, giúp đỡ các NNCĐDC/dioxin để họ có điều kiện sống tốt hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ba là, Hội cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ NNCĐDC/dioxin và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC/dioxin.
Bốn là, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh, khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định.
PHAN ĐÌNH PHÙNG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh